Thông tin được chia sẻ tại Hội thảo “Digital trust và Phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới”, chương trình nằm trong khuôn khổ Diễn đàn chuyển đổi số (DX Summit) Việt Nam - châu Á 2024 vừa diễn ra tại Hà Nội. Hội thảo đã tập trung thảo luận các vấn đề xung quanh tiêu chí và cách thức xây dựng niềm tin số đối với quá trình chuyển đổi số và thương mại điện tử tại thị trường Việt Nam.
Theo các chuyên gia, cùng với quá trình chuyển đổi số (CĐS) tại Việt Nam ngày càng mạnh mẽ, niềm tin số đang dần trở thành một vấn đề được đặc biệt quan tâm. Đây là nền tảng cho các hoạt động kinh tế, xã hội trong kỷ nguyên số hóa hiện nay. Việc tạo lập niềm tin số là xây dựng một môi trường mạng trung thực, minh bạch, lành mạnh và vững vàng để phòng, chống lại các hành vi vi phạm pháp luật trên môi trường số.
Trong đó, Digital trust - niềm tin số được xem là một yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của TMĐT xuyên biên giới, nhất là trong bối cảnh một môi trường mạng ngày càng phức tạp hiện nay. Việc xây dựng niềm tin số là tiền đề quan trọng để các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp thu hút và giữ chân khách hàng đối với sản phẩm, dịch vụ của mình.
Theo thống kê của Viettel Threat Intelligence, chỉ trong quý I/2024 đã ghi nhận số lượng chiến dịch tấn công mã độc tống tiền (Ransomeware) tại Việt Nam tăng tới 70% so với cùng kỳ. Các hình thức lừa đảo trên TMĐT cũng ngày càng tinh vi và phức tạp, các thủ đoạn “hỏa mù” càng nhiều khiến người dùng dễ dính bẫy như: chào mời làm cộng tác viên bán hàng trên sàn TMĐT giả mạo, lập các shop giả mạo để chiếm đoạt các mã ưu đãi, khuyến mãi từ sàn, bán hàng giả, hàng kém chất lượng… Tình trạng này đã ảnh hưởng lớn tới không chỉ khách hàng thông thường, tới các shop bán hàng chân chính mà còn cả uy tín của sàn.
Từ thực trạng kể trên, các chuyên gia nhấn mạnh, việc định danh, xác thực các kênh, các nhà cung cấp và thương nhân trên môi trường số là rất quan trọng, từ đó giúp nâng cao niềm tin số cho người dùng.
Theo ông Lâm Quang Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) thì niềm tin số là niềm tin của người dùng (khách hàng cuối) đối với khả năng của con người, công nghệ và quy trình trên không gian số. Do đó, để xây dựng niềm tin trên môi trường số và phát triển TMĐT xuyên biên giới, chúng ta cần phải dán tem tín nhiệm số cho nhà cung cấp. Tem tín nhiệm số sẽ góp phần tạo nên và củng cố niềm tin của khách hàng trong việc quyết định đi đến giao dịch cuối hay không. Tem tín nhiệm cũng là cầu nối chức năng quản lý Nhà nước của các bộ chuyên ngành; đồng thời thúc đẩy TMĐT và thúc đẩy CĐS.
Theo ông Lâm Quang Nam, để có thể triển khai việc dán tem “đáng tin”, cần phải có sự tham gia tích cực của nhiều bên như nhà cung cấp, kiểm định viên, người dán tem (VINASA và VECOM), người bảo trợ (Cục TMĐT & Kinh tế số, Bộ Công Thương), cơ quan thực hiện có thể kiêm nhiệm vai trò của kiểm định viên và đối tác (Hội Bảo vệ Người tiêu dùng, các sàn giao dịch điện tử, mạng xã hội, dịch vụ lắng nghe mạng xã hội social listening…). Để đảm bảo khách quan, quy trình kiểm định sẽ được đánh giá theo 4 trụ dựa vào cam kết của nhà cung cấp, nền tảng công nghệ đang sử dụng, và phản hồi của khách hàng trên các sàn giao dịch điện tử và mạng xã hội: An toàn và riêng tư; An ninh; An tâm; Đạo đức. Từ đó, cho điểm hành vi và thái độ của nhà cung cấp và tính điểm tín nhiệm số.
Theo đại diện VINASA, nắm bắt thực tiễn và dự đoán nhu cầu của tương lai, thời gian qua, các cơ quan chức năng trong nước cũng đã tích cực để đẩy mạnh việc tạo lập niềm tin số. Một trong những nỗ lực đó được đánh dấu bằng sự ra đời của nền tảng Tín nhiệm mạng tại địa chỉ http://tinnhiemmang.vn do Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) thuộc Cục An toàn thông tin quản lý và cấp nhãn tín nhiệm. Nền tảng hưởng đến mục tiêu bảo vệ người dân trên môi trường số, đảm bảo không gian mạng Việt phát triển và an toàn.
Minh Châu
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/de-xuat-dan-tem-dang-tin-cho-thuong-nhan-viet-ban-hang-tren-san-tmdt-3769.html