Tại TP. HCM
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 qua địa bàn TP. HCM có 2 dự án thành phần, gồm: Dự án thành phần 1 thực hiện xây dựng đường với tổng mức đầu tư hơn 22.411 tỷ đồng; Dự án thành phần 2 thực hiện giải phóng mặt bằng, bồi thường tái định cư với mức đầu tư 18.975 tỷ đồng.
Vành đai 3 qua TP. HCM có chiều dài 46km với đoạn 1 dài 14,7km qua TP. Thủ Đức (từ cầu Nhơn Trạch tới nút giao Tân Vạn) và đoạn 2 dài 32km qua huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh (từ cầu Bình Gởi đến kênh Thầy Thuốc).
Đến nay, Vành đai 3 qua TP. HCM đã khởi công được 10/14 gói thầu. Trong đó, 4 gói thầu khởi công vào tháng 7/2023 đạt 20% khối lượng thi công; 6 gói thầu khởi công vào tháng 2/2024 và mới hoàn tất giai đoạn chuẩn bị nên khối lượng thi công chưa nhiều.
Tiến độ giải ngân vốn đăng ký năm 2024 đạt 8,2% tương đương 400/4.900 tỷ đồng.
Tiến độ giải phóng mặt bằng đạt khoảng 98,8%, TP. HCM đã thu hồi được 405/410ha mặt bằng. Trong đó, TP. Thủ Đức còn 45 trường hợp, huyện Bình Chánh còn 2 trường hợp, Củ Chi còn 2 trường hợp. Dự kiến công tác giải phóng mặt bằng sẽ hoàn thiện vào tháng 6/2024.
Theo Sở GTVT TP. HCM, đoạn 1 của dự án Vành đai 3 qua TP. HCM chỉ bố trí một nút giao khác mức là nút giao cao tốc TP. HCM – Long Thành – Dầu Giây và một điểm ra - vào là khu cảng ICD Long Bình, cùng với nút giao Tân Vạn trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Do đó, Sở GTVT đề xuất đầu tư hoàn chỉnh nút giao thông Gò Công trên Vành đai 3 qua TP. HCM và đường nối từ nút giao Gò Công tới đường Võ Nguyên Giáp với chiều dài 5,9km. Dự án sẽ giải phóng mặt bằng một lần rộng 67m từ Gò Công đến đường Lê Văn Việt. Giai đoạn 1 sẽ làm trước 4 làn xe hai bên (ở giữa để trống 27,5m dự phòng sau này mở rộng) và xây dựng cầu vượt nút giao Gò Công, nút giao Lê Văn Việt.
Ngoài ra, Sở GTVT TP. HCM cũng đề xuất bổ sung kết nối lên xuống giữa Vành đai 3 TP. HCM với đường Phước Thiện (thuộc phường Long Bình, TP. Thủ Đức). Sẽ bố trí 4 nhánh lên xuống, mỗi nhánh dài 250m, rộng 7m tại vị trí trước và sau chỗ ra – vào Vành đai 3 TP. HCM và đường Phước Thiện.
Khu vực nút giao đường song hành Vành đai 3 với đường Phước Thiện cũng sẽ được TP. HCM bố trí đảo tròn với đường kính 60m để quay đầu, rẽ trái, rẽ phải lên Vành đai 3; xây hầm chui 3 làn trên đường Phước Thiện; xây đường Phước Thiện dài 1,8km theo quy hoạch. Tổng mức đầu tư 2.108 tỷ đồng từ ngân sách TP. HCM.
TP. HCM sẽ đầu tư hơn 13.000 tỷ đồng để xây dựng các tuyến đường giao thông nhằm giảm ùn tắc khu vực cảng Cát Lái, như: đường liên cảng Cát Lái – Phú Hữu; đường Nguyễn Thị Định từ nút giao Mỹ Thủy đến phà Cát Lái; mở rộng 2 đoạn đường Võ Chí Công.
TP. HCM đang đề xuất chi 9,9 tỷ USD để xây đường sắt TP. HCM – TP. Cần Thơ. Ngoài ra còn xây mới 2 tuyến đường kết nối với tỉnh Long An (khoảng 17.200 tỷ); xây nút giao đường Rừng Sác với cao tốc Bến Lức – Long Thành (2.400 tỷ); nghiên cứu xây cầu Cần Giờ (hơn 11.000 tỷ).
Tại tỉnh Đồng Nai
Dự án Cảng Hàng không Biên Hòa đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký văn bản chấp thuận đầu tư theo phương thức đối tác công tư vào tháng 3/2023.
Theo kiến nghị của UBND tỉnh Đồng Nai, Bộ GTVT và Bộ KH&ĐT thì UBND tỉnh Đồng Nai được giao là cơ quan thẩm quyền triển khai dự án.
Cảng Hàng không Biên Hòa quy mô khoảng 967ha có khả năng bố trí khoảng 50ha để quy hoạch khu hàng không dân dụng. Dự án thuộc phường Tân Phong (trung tâm TP. Biên Hòa, Đồng Nai), cách sân bay quốc tế Long Thành 32km, cách sân bay Tân Sơn Nhất 25km.
Sân bay Biên Hòa hiện đã có đường băng dài 3,6km cùng hệ thống đường lăn, kho tàng, hệ thống đài chỉ huy bay, sân đỗ máy bay. Sân bay Biên Hòa khi khai thác lưỡng dụng sẽ có công suất phục vụ 5 triệu khách/năm thời kỳ 2021 – 2030. Lúc này, Đồng Nai sẽ là tỉnh đầu tiên của nước ta sở hữu cùng lúc 2 sân bay phục vụ dân sự - thương mại là sân bay quốc tế Long Thành và sân bay lưỡng dụng Biên Hòa.
Tại tỉnh Bình Dương
Tỉnh Bình Dương hiện đang chi hơn 740 tỷ đồng để đầu tư nâng cấp, mở rộng đường ĐT.749A đoạn giao với các tuyến ĐT.750 TP.HCM giáp Bình Phước và Tây Ninh. Theo quy hoạch, tuyến đường sẽ được nâng cấp từ 2 lên 4 làn xe.
Đường ĐT.749A có chiều dài trên 45km qua 3 huyện thị của Bình Dương gồm Bến Cát, Bàu Bàng, Dầu Tiếng. Đây là đường tỉnh quan trọng kết nối các khu vực phía Đông của huyện Dầu Tiếng.
Hiện nay, Bình Dương đã triển khai xây dựng đoạn đường đi qua xã Long Hòa (huyện Dầu Tiếng) dài 5km, rộng 19m.
Mục tiêu của dự án là giảm áp lực lưu lượng giao thông trên tuyến Vành đai 4 TP. HCM và phát triển đồng bộ mạng lưới giao thông; tạo thành hành lang kinh tế khi kết nối đô thị Bến Cát, Thủ Dầu Một, Tân Uyên.
Bình Dương cũng đang chuẩn bị thông xe Cầu Đò 2 (thị xã Bến Cát) với tổng mức đầu tư 213 tỷ đồng; Khởi động dự án hầm chui nút giao thông ngã năm đường Phước Kiển (thuộc TP. Thủ Dầu Một).
Hà Lan
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/diem-ten-loat-du-an-ha-tang-trong-diem-duoc-dau-tu-tai-tp-hcm-binh-duong-dong-nai-dau-nam-2024-3823.html