Nghịch lý: Trả lương giúp việc cao để giữ việc của mình

So lương của người giúp việc nhà và lương của chị Thảo, nhiều người khuyên chị nên ở nhà trông con. Tuy nhiên, chị Thảo cho hay, chị phải duy trì công việc để không bị mất các mối quan hệ.

Hiện nay, nhu cầu giúp việc nhà không chỉ có ở những đô thị lớn mà cả các địa phương nhỏ. Lương người giúp việc nhà cũng theo đó tăng cao. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho hay, lao động giúp việc nhà được người sử dụng lao động trả mức cao hơn lương tối thiểu vùng. Toàn thành phố có khoảng 13.700 lao động giúp việc nhà với mức lương dao động từ 5 - 7 triệu đồng/tháng.

Những năm gần đây, tỷ lệ giúp việc gia đình tăng cao, chủ yếu làm các công việc như quản gia, nội trợ, chăm sóc trẻ em, chăm sóc người già, chăm sóc người bệnh, làm vườn, lái xe… Thực tế, tìm được người giúp việc phù hợp là điều không dễ dàng nên nhiều gia đình không ngại tăng thêm 500.000 - 2.000.000 đồng/tháng để "giữ chân" người mà mình ưng ý.

giup-viec-gia-dinh-1-1717721229.jpg
Cắt giảm chi tiêu gia đình nhưng anh Hiếu vẫn giữ nguyên lương của người giúp việc trong nhà (Ảnh: Dân trí)

Anh Đỗ Trọng Hiếu (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, giá cả ở Hà Nội đắt đỏ, anh đã cắt giảm các khoản chi tiêu của gia đình từ 140 - 150 triệu đồng/tháng xuống còn 70 triệu đồng. Nhưng anh vẫn thuê người giúp việc gia đình với mức tiền giữ nguyên là 10 triệu đồng/tháng. Số tiền này chiếm 1/10 tổng các khoản chi tiêu của gia đình anh Hiếu trong tháng.

Còn chị Bùi Gia Linh (36 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, có 2 con trai sinh đôi năm nay 3 tuổi. Hai bé được chị cho đi học mẫu giáo từ khi lên 2 tuổi. Nhưng do công việc của vợ chồng chị đều khá bận rộn nên cả hai quyết định vẫn thuê giúp việc đến khi các con đi học tiểu học.

Người giúp việc hàng ngày hỗ trợ chị Linh chăm 2 bé trai, chuẩn bị cho các bé đi học và đón về nhà, tắm giặt. Thời gian các bé đi học, bà làm việc nhà, nấu cơm. Căn hộ của vợ chồng chị Linh rộng 70m2, không phải dọn dẹp quá nhiều. Việc đi chợ hàng ngày do chị Linh phụ trách.

Từ khi sinh con đến nay, chị Linh đã thuê 6 người giúp việc và trả mức lương cứng dao động từ 7 - 7,5 triệu đồng. Chị Linh bảo, 7 hay 7,5 triệu đồng chỉ là tiền lương cố định. Trong tháng, giúp việc sẽ có 1 - 2 ngày nghỉ phép. Nếu họ không nghỉ hay về quê thì sẽ tính thêm công của ngày đó là 230.000 đồng/ngày. Nếu giúp việc về quê, chị lại trả tiền tàu xe, lo quà cáp bánh kẹo. Ngoài ra, các khoản chi cho giúp việc còn có tiền ăn, tiền mua đồ dùng sinh hoạt như dầu gội, sữa tắm, kem đánh răng…

Trung bình mỗi tháng, chị Linh chi cho giúp việc khoảng 10 triệu đồng. Số tiền này chiếm đến 80% số lương chị Linh được nhận. Chị Linh chia sẻ, dù biết tiền thuê giúp việc cao nhưng vì hoàn cảnh gia đình, chị đành chấp nhận. Thu nhập của vợ chồng chị từ năm ngoái đến năm nay đều giảm. Tiền lương hàng tháng chỉ đủ chi tiêu chứ gần như không để được đồng nào.

giup-viec-gia-dinh-1717721229.jpg
Nhiều người chấp nhận trả lương giúp việc cao để giữ việc của mình

Chị Phạm Thị Thảo (32 tuổi, quận Thanh Xuân) đang làm việc tại một công ty truyền thông với mức lương 14 triệu đồng/tháng. Mấy tháng nay doanh thu của công ty giảm, lương của chị Thảo cũng giảm theo, chỉ còn vỏn vẹn 10 triệu đồng. Số tiền này vừa đủ để chị thuê giúp việc.

Chị Thảo cho biết, từ sau dịch Covid-19, công việc của chị bị ảnh hưởng khá nhiều, công ty cũng ít sự kiện nên hàng tháng chỉ nhận lương cứng là chủ yếu. Bố mẹ hai bên đều đã già yếu nên không thể giúp chị Thảo trông con. Chị phải thuê giúp việc với mức lương 8 triệu đồng/tháng. Nhiệm vụ là trông nom, chăm sóc em bé 1 tuổi, cuối tuần hỗ trợ chị trông bé lớn 4 tuổi, hàng ngày không cần dọn nhà, nấu nướng hay giặt giũ.

So lương giúp việc và lương của chị Thảo, nhiều người khuyên chị Thảo nên ở nhà trông con. Tuy nhiên, chị Thảo cho hay, chị phải duy trì công việc để không bị mất các mối quan hệ. Dù tiền lương chỉ đủ trả giúp việc nhưng chị sẽ vẫn có chỗ đứng trong công ty. Nếu nghỉ hẳn 2 - 3 năm chờ con lớn đến tuổi đi học thì bản thân chị đã đánh mất đi nhiều cơ hội, khi đi làm lại sẽ không theo kịp đồng nghiệp.

Cùng chung suy nghĩ này, chị Nguyễn Thanh Mai (quận Đống Đa) chia sẻ, bạn của chị sau khi sinh con đã nghỉ hẳn 3 năm ở nhà chăm con. Tới khi đi làm lại, bạn chị mất thời gian rất dài để thích ứng, ngoài ra còn bị thiếu tự tin trong công việc và giao tiếp với mọi người. Thấy bạn như vậy, nên sau khi sinh con đầu lòng, chị Mai quyết định thuê giúp việc nhà để bản thân có thể tiếp tục đi làm.

Du Vũ

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/nghich-ly-tra-luong-giup-viec-cao-de-giu-viec-cua-minh-3922.html