Người chưa thành niên phạm tội có thể sẽ bị giám sát bằng thiết bị điện tử

TAND Tối cao đề xuất bổ sung biện pháp ngăn chặn mới, đó là giám sát điện tử với người chưa thành niên phạm tội.

Ngày 6/6, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trình Quốc hội dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên. So với Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, dự thảo luật đã bổ sung 2 biện pháp ngăn chặn mới là giám sát tại nhà và giám sát điện tử đối với bị can, bị cáo là người chưa thành niên. Người chưa thành niên chỉ bị áp dụng biện pháp tạm giam khi các biện pháp giám sát khác không hiệu quả.

giam-sat-dien-tu-nguoi-chua-thanh-nien-pham-toi-1717917044.jpg
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình

Theo dự thảo, người được giám sát điện tử phải làm giấy cam đoan có mặt theo giấy triệu tập; không tiếp tục phạm tội hoặc bỏ trốn; không mua chuộc, xúi giục, cưỡng ép người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật. Người được giám sát điện tử cũng phải cam đoan không tiêu hủy, giả mạo tài liệu, chứng cứ của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; không được đe dọa, khống chế, trả thù bị hại, người làm chứng, người tố giác tội phạm và người thân của họ. Nếu vi phạm các điều trên, cơ quan chức năng sẽ tiến hành tạm giữ.

Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, HĐXX, Viện trưởng, Phó viện trưởng Viện kiểm sát có quyền ra quyết định gắn thiết bị giám sát điện tử. Việc áp dụng giám sát điện tử phải thông báo cho chính quyền địa phương nơi bị can, bị cáo cư trú và giao theo dõi.

Theo TAND Tối cao, quan điểm xử lý người chưa thành niên phạm tội hiện vẫn còn nặng về răn đe, dùng hình phạt trong khi việc trừng phạt chỉ nên là biện pháp cuối cùng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ người chưa thành niên tái phạm còn cao và có xu hướng gia tăng.

Ủy ban Tư pháp tán thành việc bổ sung biện pháp giám sát điện tử và giám sát tại nhà, cho rằng biện pháp này góp phần nâng cao trách nhiệm của gia đình trong việc giáo dục, giám sát người chưa thành niên, vừa hạn chế việc áp dụng biện pháp tạm giam - thể chế hóa yêu cầu của Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp đề nghị đánh giá kỹ lưỡng hơn về nguồn lực bảo đảm với việc bổ sung biện pháp giám sát điện tử.

thiet-bi-giam-sat-dien-tu-1717917044.jpg
Một thiết bị giám sát điện tử sử dụng trong hệ thống tư pháp tại Mỹ (Ảnh: 123RF)

Giám sát điện tử được nhiều quốc gia như Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc… sử dụng. Tại Mỹ, thiết bị giám sát điện tử được gắn ở cổ tay và mắt cá chân, điện thoại di động có hệ thống an ninh sinh trắc học và các trung tâm đăng ký quản chế tự động. Thiết bị theo dõi bằng tần số vô tuyến (RF) gắn ở mắt cá chân được sử dụng đối với đối tượng có nguy cơ phạm tội thấp, để giám sát tại nhà.

Thiết bị giám sát điện tử chống va đập và chống nước sử dụng hệ thống định vị toàn cầu (GPS) thường dùng cho những đối tượng có nguy cơ phạm tội cao hơn, mục đích theo dõi từng phút. Các ứng dụng theo dõi còn được cơ quan thực thi pháp luật cài đặt trên điện thoại thông minh để theo dõi, hạn chế một cá nhân thông qua dấu vân tay, xác minh giọng nói và nhận dạng khuôn mặt.

Tại Hàn Quốc, 2008 là năm hệ thống giám sát điện tử chính thức được triển khai. Việc đeo vòng điện tử ở cổ chân sẽ được tiến hành trên các tù nhân hưởng án treo hoặc đã được ân xá cần được giám sát trong cộng đồng và tất cả tù nhân đã ra tù nhưng từng phạm nhiều hơn hai tội bạo lực tình dục hoặc đã từng tấn công tình dục trẻ vị thành niên.

Tại Trung Quốc, từ năm 2019, cơ quan thực thi pháp luật sử dụng các biện pháp như định vị điện thoại di động, cuộc gọi video để xác minh thông tin, nắm bắt hoạt động của những người cần quản lý. Nước này cũng sử dụng thiết bị đeo tay điện tử để giám sát các đối tượng phạm tội nhưng chưa đến mức phải ra lệnh bắt giữ.

Chia sẻ ý kiến về dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật sư Lê Ngô Trung, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, đây là lần đầu tiên xây dựng một đạo luật riêng biệt về tư pháp cho người chưa thành niên.

Về biện pháp giám sát điện tử, ông cho rằng cần xem xét yếu tố riêng tư của việc giám sát, sự kỳ thị đối với người phải đeo thiết bị giám sát, cũng như điều kiện thực tế của địa phương.

giam-sat-dien-tu-1717917044.png
Luật sư Lê Ngô Trung, Đoàn Luật sư TP.HCM

Thiết bị giám sát được gắn, đeo trên cơ thể của người chưa thành niên phạm tội có thể dẫn đến sự kỳ thị của những người xung quanh, gây tâm lý mặc cảm cho người đeo, đi ngược với tinh thần giáo dục, tạo cơ hội để người chưa thành niên sửa chữa lỗi lầm.

Để đảm bảo sự riêng tư cho người được gắn thiết bị, luật cũng cần quy định cụ thể hơn về việc định vị, cập nhật lịch trình di chuyển của thiết bị giám sát điện tử. Đồng thời, cần quy định chi tiết về việc giám sát thiết bị điện tử và người được giao nhiệm vụ theo dõi; đặc biệt là các địa phương còn khó khăn về trang thiết bị, cơ sở vật chất và nhân sự quản lý an ninh trật tự.

Du Vũ

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/nguoi-chua-thanh-nien-pham-toi-co-the-se-bi-giam-sat-bang-thiet-bi-dien-tu-3994.html