Tính năng mới này cho phép Messenger hoạt động tương tự như Discord - một ứng dụng trò chuyện thông qua điện thoại hoặc máy tính bằng video hay nhắn tin miễn phí cho người dùng từ 13 tuổi trở lên. Discord được tạo ra nhằm giúp mọi người kết nối với nhau dễ dàng khi đang chơi game. Đặc biệt, khi sử dụng, người dùng có thể nhắn tin hoặc gọi điện trực tiếp cho người khác, thậm chí tham gia vào các server (cộng đồng) chung để trò chuyện với những người cùng sở thích.
Điểm đặc biệt của tính năng nhóm trên Messenger là có thể tạo không gian cho người dùng tham gia vào các cuộc trò chuyện trực tiếp dù chưa từng kết nối trước đó.
Ngoài ra, Messenger cũng cung cấp cho người tạo nhóm các công cụ quản lý toàn diện gồm quyền thêm và bớt thành viên cũng như kiểm soát nội dung. Bên cạnh đó, bất kỳ thành viên nào cũng có thể chia sẻ lời mời tham gia nhằm giúp nhóm nhanh chóng mở rộng quy mô.
Sức hút của tính năng tạo nhóm mới của Messenger có lẽ đến từ sự kết hợp linh hoạt giữa việc tạo dựng cộng đồng và khả năng kiểm duyệt hiệu quả. Tuy nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa với việc người tạo nhóm cần phải có nhận thức rõ ràng về trách nhiệm quản lý nền tảng công cộng.
Khi so sánh với tính năng tương tự trên WhatsApp thì nhóm trò chuyện mới của Messenger được đánh giá mang đến sự tiện lợi hơn khi không yêu cầu người dùng phải kết nối với số điện thoại. Từ đó, khoảng cách về kỹ thuật được thu hẹp và tạo điều kiện cho nhiều người dùng tiếp cận cũng như tham gia vào các nhóm trò chuyện mà không sợ để lộ thông tin số điện thoại.
Meta được đang đặt ra kỳ vọng về việc tạo một bước chuyển mạnh mẽ trong cách thức giao tiếp và kết nối tập thể, góp phần kiến tạo một cộng đồng trực tuyến ngày càng gắn kết và đa dạng.
Dù có những ưu điểm nổi bật nhưng tính năng mới của Messenger cũng đặt ra những vấn đề về quyền riêng tư và chia sẻ nội dung. Bởi lẽ, các cuộc trò chuyện trong nhóm lớn có tính chất công khai nên người dùng cần thận trọng hơn với những gì bản thân chia sẻ. Theo đó, không chỉ thành viên hiện tại mà cả những người được mời tham gia nhóm sau này đều có thể xem được nội dung cuộc trò chuyện.
Ngoài Messenger thì Zalo cũng đang là ứng dụng phổ biến tại Việt Nam. Hầu như trong smartphone của người dùng Việt đều cài đặt ứng dụng Zalo nhưng số lượng thành viên tối đa trong cuộc trò chuyện nhóm của Zalo cũng chỉ đạt đến con số 1.000 thành viên, còn cách xa con số 5.000 người của Messenger.
Linh Trang
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/tinh-nang-nhom-moi-tren-messenger-cho-phep-so-luong-thanh-vien-len-den-5000-nguoi-4001.html