Sáng 10/6, Hội nghị sơ kết một năm tháo gỡ “điểm nghẽn” trong triển khai Đề án 06 và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế đã được tổ chức dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Nêu nhiều kết quả trong thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử giai đoạn 2022 -2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long nhắc tới kết quả về cải cách thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Theo đó, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long cho biết, tính đến hết tháng 4/2024, Cổng dịch vụ công Quốc gia đã cung cấp 4.510 dịch vụ công trực tuyến (tương đương gần 72% trong tổng số 6.287 thủ tục hành chính), trong đó gần 3.700 dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Tỷ lệ thanh toán trực tuyến ở các Bộ, ngành đạt trên 24%, ở địa phương đạt trên 43%.
Đến thời điểm này, có 15/22 bộ, ngành đã hoàn thành công bố danh mục thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý có đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Việc cung cấp 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 đã giúp tiết kiệm cho Nhà nước, xã hội gần 3.500 tỷ đồng mỗi năm.
Riêng hai nhóm dịch vụ công trực tuyến liên thông “Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng” và “Đăng ký khai sinh - Đăng ký thường trú - Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi” được triển khai chính thức trên toàn quốc từ 10/7/2023 đã giúp cắt giảm thời gian từ 21 ngày xuống còn 4 ngày làm việc. Người dân chỉ cần khai thông tin 1 lần để giải quyết 3 thủ tục hành chính.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Long cho biết thêm, Bộ Công an đã cấp trên 86 triệu căn cước công dân gắn chip, thu nhận gần 75,2 triệu hồ sơ định danh điện tử, kích hoạt gần 54 triệu tài khoản (tương đương gần 72%).
Từ đầu năm 2024 đến nay, việc tích hợp, sử dụng tài khoản định danh điện tử đăng nhập Cổng dịch vụ công Quốc gia và các ứng dụng của các bộ, ngành với trung bình khoảng 150.000 lượt đăng nhập/ngày. Theo tính toán, có thể tiết kiệm 32 tỷ đồng mỗi tháng.
Đặc biệt, việc thực hiện tích hợp thông tin cư trú (sổ hộ khẩu điện tử) của công dân lên tài khoản định danh điện tử, là giải pháp thay thế sổ hộ khẩu giấy (khoảng 150.000 lượt sử dụng hàng ngày) đã giúp tiết kiệm mỗi tháng khoảng 450 tỷ đồng…
Bên cạnh đó, việc chính thức triển khai thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID từ ngày 22/4 vừa qua tại TP. Hà Nội và Thừa Thiên Huế với gần 2.700 hồ sơ đã giúp người dân có nhu cầu đều có thể thực hiện đề nghị cấp trực tuyến. HĐND TP. Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 11 hỗ trợ 100% phí cấp Lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID với công dân Việt Nam thường trú trên địa bàn có tài khoản VNeID mức độ 2.
Bộ Công an tính toán, với nhu cầu 2,6 triệu Phiếu lý lịch tư pháp hàng năm, số tiền tiết kiệm được là khoảng 637 tỷ đồng.
Du Vũ
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/gan-54-trieu-tai-khoan-dinh-danh-dien-tu-da-duoc-kich-hoat-4031.html