Tính đến phiên giao dịch ngày 11/6, giá bán vàng miếng SJC được niêm yết tại 4 ngân hàng quốc doanh và Công ty SJC giữ nguyên mức 76,98 triệu đồng/lượng, ghi nhận ngày thứ 3 liên tiếp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giữ nguyên giá bán.
Như vậy, so với mức giá đỉnh 92,4 triệu đồng/lượng cách đây 1 tháng, giá vàng đã giảm hơn 15 triệu đồng/lượng, chênh lệch với giá thế giới giảm từ 18 triệu đồng/lượng xuống hơn 4 triệu đồng/lượng.
Không lo về nguồn cung
Trong khi đó, NHNN cho biết, sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình thu hẹp, kiểm soát chênh lệch giữa giá bán vàng miếng SJC trong nước và giá thế giới ở mức phù hợp. Đồng thời khuyến cáo người dân nên thận trọng khi mua vàng thời điểm này để tránh rủi ro.
Tuy nhiên, quan sát tại một điểm bán vàng của Vietcombank, ngay từ khi ngân hàng chưa mở cửa đã có hàng trăm người dân xếp hàng chờ mua vàng. Thậm chí, có nhiều người đến từ các tỉnh lân cận Hà Nội như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam…nhiều người cho biết họ xếp hàng từ 4h sáng nhưng vẫn chưa mua được vàng.
Do nhu cầu của người dân quá cao, cùng với việc phòng chống tình trạng gom hàng đầu cơ nên các ngân hàng và Công ty SJC giới hạn mỗi khách hàng chỉ được mua 1-2 lượng vàng, mỗi buổi chỉ phát trung bình 50-80 số giao dịch.
Lý giải nguyên nhân việc người dân “chấp mê” với vàng, TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết, quan sát tại một vài điểm bán vàng, có thể thấy, hiện tượng người dân xếp hàng mua vàng có thể đến từ tâm lý lo ngại việc giá vàng có thể tăng tiếp bởi không phải ai cũng mua vàng để đầu tư. Có người trả nợ, có người chuẩn bị cưới xin, biếu tặng. Bên cạnh đó, một phần nữa cũng có thể đến từ việc thiếu tin tưởng lực cung của NHNN.
“Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng được NHNN có đủ nguồn lực để nhập vàng phục vụ nhu cầu của người dân sau khi đo đếm được nhu cầu tự nhiên của thị trường, tính toán được sự ổn định vĩ mô. Tất nhiên, do vấn đề độc quyền nên có thể gặp vài khó khăn về vấn đề kỹ thuật để cung ứng chứ không nên lo thiếu vàng hay tiền để nhập vàng”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định.
Cũng theo TS. Lê Xuân Nghĩa, muốn giảm chênh lệch giá vàng thì về nguyên tắc là phải tăng cung. Khối lượng tiêu thụ vàng tại Việt Nam ước tính khoảng 50,60 tấn/năm, tương đương 3 tỉ USD. Đây là con số không lớn so với tổng kim ngạch xuất của cả nước. Do đó, việc nhập khẩu vàng không quá ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái và cũng không phải là vấn đề khó khăn đối với NHNN.
Đồng quan điểm, TS. Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, ngoại tệ dùng để mua vàng không hề mất đi mà chỉ hoán đổi hình thái. Nhu cầu mua vàng của người dân là chính đáng và bài toán cân đối ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu này là bình thường.
Nhưng không thể vô hạn
Cũng theo TS.Trương Văn Phước, nỗ lực tăng cung của NHNN để bình ổn thị trường, chống “vàng hóa” nền kinh tế được đánh giá là giải pháp hiệu quả. Tuy nhiên, bên cạnh vàng, Chính phủ hay NHNN còn phải cân đối với nhiều mặt hàng thiết yếu khác phục vụ cho đời sống của người dân.
“Nếu một ngày không cầm 1 lượng vàng chắc chắn chúng ta vẫn sống. Nhưng nếu không có xăng dầu, không có phân bón, gạo, nhu yếu phẩm thì sẽ thế nào… Cho nên cũng cần phải thông cảm, việc NHNN cung ứng một lượng vàng để đáp ứng cho người dân như vậy đã là rất tốt", ông Phước nhận định.
Tuy nhiên, TS. Trương Văn Phước cũng cho rằng, việc sở hữu vàng là quyền của công dân, pháp luật không cấm mua bán nhưng để đảm bảo cho mọi người dân có thể mua không giới hạn, thì không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, không có quốc gia nào có thể làm được.
Nói về các giải pháp ổn định thị trường vàng, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, biện pháp hiện nay của NHNN chỉ mang tính tình thế để làm dịu thị trường mà chưa phải là giải pháp căn cơ, lâu dài. Bởi lẽ, vàng không phải là hàng hóa trong danh mục bình ổn giá, khi vàng rẻ thì người dân mua càng nhiều, điều này không có lợi cho nền kinh tế.
Tại cuộc họp góp ý về chính sách quản lý thị trường vàng, đã có nhiều ý kiến đề nghị đánh thuế với vàng. Tuy nhiên, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, việc này sẽ khiến cơ quan quản lý tốn nhiều chi phí hơn là số thuế thu về, còn ảnh hưởng đến tâm lý người dân.
“Thực ra người mua vàng với mục đích kiếm lời rất ít, đa số là để tích lũy. Do đó, ta nên có giải pháp phù hợp để vàng trong dân cũng là dự trữ vàng quốc gia. Vàng ở trong dự trữ NHNN được gọi là vàng dự trữ tập trung còn vàng trong dân là vàng phân tán trong sự trữ quốc gia. Vì vậy, không nên thành kiến với việc đó”, ông Nghĩa cho biết.
Cho rằng quản lý thị trường vàng là vấn đề khó và phức tạp, ông Trần Hoàng Ngân, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, nhìn nhận, thời gian qua, Chính phủ và NHNN đã can thiệp với những chính sách đúng mực, việc thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế sẽ đạt như mong muốn.
Tuy nhiên, dù nguồn vốn trong dân còn lớn nhưng NHNN cũng cần có những chính sách lãi suất hài hòa, hợp lý. Cùng với đó, Kho bạc Nhà nước, Bộ Tài chính và chính quyền các địa phương cũng tăng phát hành trái phiếu để huy động vốn của dân, phục vụ đầu tư phát triển. Thị trường tài chính cũng cần phát triển ổn định để người dân có nhiều cơ hội đầu tư hơn.
Tuệ Minh
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/nguon-cung-vang-dap-ung-day-du-nhu-cau-cua-nguoi-dan-nhung-khong-the-mua-khong-gioi-han-4050.html