Khoảng trống về thuế đối với livestream bán hàng
Thời gian gần đây, trên một số nền tảng mua sắm trực tuyến lớn, như TikTok, Shopee... nở rộ livestream bán hàng với doanh số rất lớn, thậm chí lên tới hàng trăm tỷ đồng mỗi phiên. Theo ông, sự phát triển của livestream bán hàng nói riêng và thương mại điện tử nói chung có ý nghĩa thế nào đối với nguồn thu ngân sách?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Livestream bán hàng và TMĐT đã và đang trở thành lĩnh vực có ảnh hưởng quan trọng đến tăng trưởng kinh tế của các quốc gia.
Đối với Việt Nam, hoạt động TMĐT ngày càng được mở rộng, với sự đa dạng về mô hình hoạt động, nhiều đối tượng tham gia, mức tăng trưởng được đánh giá là nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Hiện nay giá trị ngành TMĐT của Việt Nam là 20,5 tỷ USD và ước tính sẽ đạt 30,5 tỷ USD vào năm 2025.
Theo số liệu quản lý thuế trong 2 năm gần nhất, kết quả thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử năm 2022 là 83.000 tỷ đồng; năm 2023 số thuế đã nộp là 97.000 tỷ đồng; 5 tháng đầu năm 2024 số thuế đã nộp trên 50.000 tỷ đồng. Lũy kế đến nay đã có 96 nhà cung cấp nước ngoài kê khai, nộp thuế với số tiền trên 15,6 nghìn tỷ đồng.
Có thể thấy, khi Nhà nước có chính sách thúc đẩy phát triển, đồng thời có chính sách giám sát, quản lý phù hợp thì hoạt động livestream bán hàng nói riêng cũng như TMĐT nói chung sẽ góp phần mở rộng đôi tượng thu thuế và sẽ là một nguồn thu lớn cho ngân sách.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng pháp luật đang có khoảng trống, dẫn đến thất thu thuế trong lĩnh vực này. Xin ông cho biết quan điểm của mình?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Về cơ bản, chúng ta đã có những quy định pháp luật tương đối cụ thể để quản lý thuế của hoạt động TMĐT. Tuy nhiên, qua quá trình thực thi các chính sách quản lý thuế, một số bất cập và hạn chế của các quy định pháp luật dần bộc lộ, hành lang pháp lý vẫn chưa theo kịp sự phát triển nhanh của TMĐT.
Luật giao dịch điện tử chưa có quy định pháp lý ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ trên không gian mạng, các mạng xã hội trong việc cung cấp thông tin về các hoạt động kinh doanh online, nhất là hoạt động bán hàng qua Facebook, TikTok… đang tạo ra doanh thu cho nhiều cá nhân, tổ chức, gây khó khăn trong việc kiểm soát, và truy thu thuế.
Trên thực tế, không ít cá nhân, tổ chức có các khoản thu nhập này lại vô tình hoặc chủ ý không thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định, gây thất thu cho ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, quy định về khai thuế, nộp thuế thay cá nhân vẫn còn nhiều bất cập. Cụ thể, theo quy định Thông tư 100/2021/TT-BTC, các chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT thực hiện việc khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân trên cơ sở ủy quyền theo quy định của pháp luật dân sự.
Tuy nhiên, khi cá nhân không tự nguyện ủy quyền thì sàn giao dịch TMĐT không bắt buộc phải kê khai, nộp thuế thay cho cá nhân mà chỉ phải cung cấp thông tin cho cơ quan thuế. Điều này tạo ra khoảng trống cho nhiều cá nhân kinh doanh trên các sàn TMĐT lợi dụng để cố tình né thuế bằng nhiều thủ đoạn qua mặt sự kiểm soát của cơ quan chức năng.
Ngoài ra, một số sàn TMĐT cũng có thể lợi dụng để thu hút cá nhân giao dịch trên sàn giao dịch TMĐT và giảm bớt khối lượng công việc khi không khuyến khích cá nhân ủy quyền kê khai, nộp thuế thay; chưa quy định rõ về nội dung thông tin phải cung cấp, hình thức và tần suất cung cấp thông tin cho cơ quan thuế của các sàn giao dịch TMĐT.
Theo ông, đâu là những khó khăn trong việc thu thuế đối với livestream bán hàng, thương mại điện tử hiện nay?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Hiện nay, những cá nhân livestream bán hàng online qua các trang mạng xã hội được xem là đối tượng khó quản lý thuế nhất. Nguyên nhân là do các đối tượng này thường không đăng ký kinh doanh, không có địa chỉ kinh doanh, cư trú rõ ràng, tên đăng ký trên các trang mạng xã hội khác với tên ngoài đời thực…
Ngoài ra, giá bán, số lượng sản phẩm thường được bên mua và bên bán liên hệ online với nhau, cơ quan thuế không thể xác định chính xác doanh thu; phương thức thanh toán chủ yếu bằng tiền mặt, trả tiền khi giao hàng, nhiều trường hợp không có hóa đơn nên không kiểm soát được doanh thu bán hàng để quản lý thu thuế.
Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực TMĐT, việc thu thập thông tin từ cũng rất khó khăn. Nhiều doanh nghiệp cố tình trì hoãn hoặc không phối hợp trong việc cung cấp các thông tin liên quan đến các khách hàng (viện dẫn nhiều lý do như bảo mật thông tin khách hàng, không thuộc trường hợp phải cung cấp thông tin...); hoặc cung cấp thông tin nhưng không đủ các nội dung cần thiết để thực hiện việc xác minh, đối chiếu về doanh thu cũng như địa chỉ của người nộp thuế…
Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa ngành thuế với ngân hàng vẫn còn hạn chế. Các ngân hàng chưa cung cấp thông tin chi tiết, cụ thể để xác định được từng nghiệp vụ phát sinh khi giao dịch, từ đó xác định doanh thu kinh doanh TMĐT..., mà chủ yếu cung cấp sao kê giao dịch trên tài khoản. Vì vậy, không phân biệt được giao dịch nào là giao dịch TMĐT, giao dịch thông thường từ tài khoản của cá nhân.
Cần xử lý một số trường hợp trốn thuế để răn đe
Theo ông, cần những giải pháp gì để hạn chế thất thu thuế trong lĩnh vực này?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Theo tôi, các cơ quan chức năng tiếp tục rà soát hoàn thiện pháp luật để bổ sung và sửa đổi các quy định pháp luật liên quan đến TMĐT, đảm bảo tính đồng bộ, chặt chẽ và phù hợp với thực tiễn hoạt động trong đó cần bổ sung quy định về hoạt động livestream trên các nền tảng và sửa đổi Nghị định 117/2018/NĐ-CP về giữ bí mật và cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, ngân hàng.
Ngoài ra, chú ý kết nối dữ liệu, liên thông đồng bộ giữa các bộ, ngành, đặc biệt dữ liệu dân cư, dữ liệu thương mại điện tử, dữ liệu thanh toán qua ngân hàng. Mục tiêu là để giám sát, đối chiếu nhanh chóng yêu cầu kê khai nộp thuế.
Thêm nữa, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với người nộp thuế; áp dụng định danh và xác thực điện tử; đồng bộ liên thông dữ liệu thông tin hàng hóa để có thể nhanh chóng xác minh và truy xuất thông tin về người nộp thuế. Điều này hỗ trợ cơ quan chức năng trong việc thực hiện kiểm tra thuế đối với lĩnh vực TMĐT.
Cơ quan thuế cần lập cổng thông tin đăng ký và kê khai thuế thương mại điện tử, cung cấp nền tảng trực tuyến để doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh dễ dàng đăng ký hoạt động, kê khai và nộp thuế; tuyên truyền, phổ biến pháp luật về nghĩa vụ thuế cho người kinh doanh về nghĩa vụ thuế với nhà nước khi kinh doanh.
Chọn thanh tra, xử lý một số trường hợp trốn thuế để răn đe và phục vụ công tác tuyên truyền nghĩa vụ thuế. Khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt vì loại hình thanh toán này sẽ hỗ trợ hoạt động quản lý và thu thuế thuận lợi hơn và có sự liên thông, phối hợp cung cấp dữ liệu với các ngân hàng thương mại.
Rõ ràng việc thu thuế đối với livestream bán hàng nói riêng và thương mại điện tử nói chung cần sự chung tay của nhiều cơ quan. Ông có khuyến nghị gì để vừa thúc đẩy sự chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan với nhau, vừa đảm bảo bảo mật thông tin, an toàn dữ liệu của người dân?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Việc kết nối, chia sẻ thông tin dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước liên quan như thuế, hải quan, ngân hàng, công an… là cần thiết để nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, chống thất thu thuế hiệu quả; nhanh chóng phát hiện và xử lý hành vi trốn thuế; tạo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch.
Để có thể vừa thúc đẩy kết nối thông tin giữa các cơ quan với nhau, vừa đảm bảo bảo mật thông tin, an toàn dữ liệu của người dân, các cơ quan cần xây dựng hệ thống kết nối dữ liệu, phát triển hệ thống thông tin quốc gia thống nhất, kết nối các hệ thống quản lý thuế, hải quan, ngân hàng, công an, điện lực, bưu chính…; chuẩn hóa định dạng dữ liệu, quy tắc trao đổi dữ liệu để đảm bảo khả năng liên thông giữa các hệ thống; xây dựng các biện pháp bảo mật dữ liệu chặt chẽ để đảm bảo an toàn thông tin.
Đối với các dữ liệu được chia sẻ, cần quy định, xác định chính xác loại dữ liệu, thông tin cần thiết cho công tác quản lý thuế thương mại điện tử; quy định kỹ quy trình, thủ tục chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan; áp dụng các biện pháp kiểm soát truy cập dữ liệu để hạn chế truy cập trái phép.
Để đảm bảo bảo bảo mật thông tin, an toàn dữ liệu, các cơ quan có thể áp dụng các biện pháp bảo mật vật lý, bảo mật kỹ thuật và bảo mật quản trị để bảo vệ dữ liệu, hạn chế tối đa việc thu thập, lưu trữ dữ liệu cá nhân của người dân mà không cần thiết trong việc truy thu thuế.
Xin cảm ơn ông!
Hoài Phong thực hiện
Hoài Phong
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/tu-nhung-phien-livestream-tram-ty-giai-phap-nao-bit-khoang-trong-ve-thue-4068.html