Vài ngày nay, trên mạng xã hội, nhiều người chia sẻ bài viết về một trường hợp sinh con theo trào lưu "thuận tự nhiên". Theo đó, bài viết gốc là từ tài khoản facebook N.M. Chị này hào hứng chia sẻ về việc em của mình đã hạ sinh thành công một bé trai nặng 3,3kg tại nhà mà không cần đến bệnh viện. Sau sinh, em bé cũng không được cắt dây rốn hay tiêm vaccine.
Tài khoản N.M còn đăng tải: “M. đang ước từ nay tất cả các mẹ đều sinh con giống tổ tiên của chúng mình khi chưa xuất hiện bv (bệnh viện - PV) để những đứa trẻ không phải ra đời trong tay của người xa lạ. Chị chúc mừng vợ chồng em và chào mừng cậu bé an lành (cả mẹ và con không một giọt sữa công thức, không một mũi vaccine)".
Bên dưới bài viết, nhiều người gửi lời chúc mừng và bày tỏ sự đồng thuận, ngưỡng mộ với những người mẹ sinh con theo phương pháp này. Nhiều mẹ "bỉm sữa" tỏ ra tiếc nuối khi sinh con trong viện, thậm chí có người mong ước nếu có lần sau sẽ sinh con theo phương pháp “thuận tự nhiên”.
Bên cạnh những bình luận này cũng có rất nhiều người lên tiếng cảnh báo sinh con theo phương pháp này rất nguy hiểm, nhất là những người có tiền sử bệnh tật. Có người còn dẫn chứng ngày xưa tỷ lệ trẻ chết yểu nhiều hơn hiện nay do không được chăm sóc đầy đủ sau sinh.
Phương pháp “sinh con thuận tự nhiên” là trào lưu ủng hộ việc để phụ nữ sinh đẻ tại nhà, không cho cán bộ y tế chăm sóc, cũng không tiêm vaccine cho mẹ và con. Sau khi sinh, trẻ cũng không được cắt dây rốn. Người mẹ giữ nguyên cuống rốn cùng bánh nhau cho tới khi cuống rốn teo quắt lại và tự rụng.
Đây không phải lần đầu "trào lưu" này xuất hiện tại Việt Nam. Thực tế ghi nhận, đã có nhiều trường hợp trẻ tử vong vì mẹ chọn “sinh con thuận tự nhiên” tại nhà. Theo bệnh án lưu tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bé A. được mẹ sinh "thuận tự nhiên" ngày 18/9/2023. Mẹ bé khi đó 36 tuổi, ở Thanh Trì (Hà Nội). Bé A. là con thứ 3. Mẹ bé A. đã sinh 2 con đầu tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Trong 3 lần mang thai, chị này đều không tiêm vaccine uốn ván.
Khi sinh bé A. tại nhà, chị này không cắt dây rốn cho con, bánh nhau được đặt trong chậu muối đã được rang khô. Sau sinh 3 ngày, dây rốn của bé A. tự rụng. Nhưng đến ngày thứ 7, bé có dấu hiệu sốt nhẹ (mẹ không rõ nhiệt độ).
Gia đình không cho bé đi khám, chỉ xử lý bằng cách cho da bé kề da mẹ, vắt sữa cho bé uống bằng thìa. Đến ngày thứ 9 sau sinh, bé bỏ bú, da vàng sậm, viêm dưới da toàn thân, rốn nề, không tiểu được. Lúc này, gia đình mới đưa bé vào bệnh viện.
Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ đã hồi sức tích cực, lọc máu liên tục. Tuy nhiên do tình trạng của bé là nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng, co giật do tăng natri máu nặng, nhiễm khuẩn sơ sinh do Ecoli, bé đã không thể qua khỏi và tử vong ngày 9/10/2023. Khi tiếp nhận bệnh nhi, Bệnh viện Nhi Trung ương đã báo cơ quan công an và Bộ Y tế.
Năm 2019, con gái chị T.N.Y.N. (ngụ quận 11, TP. HCM) được đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 cấp cứu trong tình trạng tím tái, ngưng tim, ngưng thở, dây rốn và bánh nhau đều đã bị khô. Người nhà cho biết, bé được sinh tại nhà. Trước đây, bà nội bé cũng sinh ba bé ở nhà, nên giờ gia đình cũng để mẹ bé sinh bé sinh tại nhà. Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã hồi sức tích cực cho bé trong 30 phút, nhưng vẫn không thể cứu được.
Cách đây vài năm, một sản phụ 34 tuổi ở tỉnh Hưng Yên cũng chọn sinh con tại nhà. Nhưng sau đó, sản phụ này đã phải nhập viện cấp cứu do vỡ tử cung, mất máu nhiều. Các bác sĩ đã phẫu thuật lấy ra gần 2 lít máu loãng và máu cục, đồng thời phải cắt tử cung để cứu sống sản phụ. Trong vụ việc này, may mắn được cấp cứu kịp thời nên bé sơ sinh an toàn.
Những trường hợp trên đã cho thấy, trào lưu “sinh con thuận tự nhiên” ẩn chứa nguy hiểm đe doạ tính mạng của cả mẹ và bé. Bộ Y tế đã đưa ra nhận định, trào lưu “sinh con thuận tự nhiên” có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe của mẹ và bé, đe dọa đến các nỗ lực của ngành y tế trong việc giảm tỷ lệ tử vong khi sinh.
Đặc biệt, Bộ cũng nhấn mạnh việc “sinh con tại nhà” là phản khoa học có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng như băng huyết, vỡ tử cung, nhiễm khuẩn.... thậm chí gây tử vong sản phụ và trẻ sơ sinh.
Bộ Y tế cũng yêu cầu giám sát, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể cố tình cổ vũ, quảng bá phương pháp sinh đẻ phản khoa học này.
Bác sĩ Phan Chí Thành - Chánh văn phòng Trung tâm đào tạo và chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản trung ương (Hà Nội) khẳng định, sinh con tại cơ sở y tế là an toàn nhất. Các bác sĩ sẽ xử lý được những biến chứng sản khoa có thể xảy ra. Mỗi năm, Bệnh viện Phụ sản Trung ương đỡ đẻ đến 20.000 - 30.000 ca, hầu hết thành công, nếu có chỉ một ca tai biến đã rất đáng tiếc. Bởi vậy, sản phụ tuyệt đối không nên tin, nghe theo những lời chia sẻ phản khoa học, tránh gây nguy hiểm cho cả mẹ và con.
Trong khi đó, bác sĩ CKI Vũ Thị Thu - khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức (TP.HCM) chia sẻ, khi sinh tại nhà, hoàn toàn không thể biết được diễn tiến sinh của sản phụ ra sao để kịp thời có phương án hỗ trợ. Trường hợp có vấn đề bất thường, trẻ sơ sinh sẽ mất tim thai, nguy cơ tử vong cao. Ngoài ra, trẻ còn rất dễ bị nhiễm trùng khi sinh tại nhà do môi trường không được vô trùng.
Về phía người mẹ có thể gặp phải các vấn đề như nguy cơ rách âm đạo, băng huyết sau sinh, nhiễm trùng... Trường hợp sản phụ có bệnh lý kèm theo như bệnh tim, tiền sản giật... không có bác sĩ chuyên môn xử lý thì nguy cơ nguy hiểm tính mạng cao.
Bác sĩ Thu khuyến cáo, sản phụ nên đến cơ sở y tế chuyên khoa sản khi sinh, có đầy đủ y bác sĩ có tay nghề, máy móc, thiết bị để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.
Du Vũ
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/trao-luu-sinh-con-thuan-tu-nhien-phan-khoa-hoc-nguy-hiem-cho-ca-me-va-be-4102.html