Sở Giáo dục Đào tạo TP. HCM cho biết, cơ quan này đang lấy ý kiến để triển khai dự thảo về các khoản thu từ mầm non đến THPT công lập. Đây sẽ là cơ sở tham mưu, đề xuất UBND TP. HCM trình HĐND thành phố ban hành nghị quyết quy định các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi cho năm học 2024 - 2025.
Năm học 2023 - 2024 kết thúc, cũng có nghĩa Nghị quyết 04 của HĐND TP. HCM quy định về các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí như tiền học bán trú, tiền bữa ăn bán trú... hết hiệu lực.
Theo dự thảo, các khoản thu và mức thu của năm học 2024 - 2025 được xác định đảm bảo phù hợp với đặc điểm tình hình và thu nhập của người dân trên cơ sở nhu cầu của người học, phù hợp với điều kiện thực tế của thành phố.
Trong đó, điều chỉnh khoản thu bữa ăn bán trú tăng 5.000 đồng so với năm học 2023 - 2024, từ 35.000 đồng/suất ăn/ngày lên 40.000 đồng/suất ăn/ngày. Nguyên nhân là do giá cả nhiều mặt hàng trên thị trường tăng nên để đảm bảo chất lượng bữa ăn cho học sinh mới tăng mức thu.
Bà Nguyễn Đoan Trang - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (quận 1) cho biết, trước năm học 2023 - 2024, Trường THCS Nguyễn Du và các trường công lập của quận đã áp dụng tiền ăn bán trú là 40.000 đồng/ngày. Khi thực hiện Nghị quyết 04, mức thu còn 35.000 đồng/ngày, tức giảm 5.000 đồng/ngày so với mức thu của trường.
Chính vì vậy, các trường phải cân đối và cắt giảm một số món ăn để phù hợp với mức thu này. Trong khi đó, phụ huynh mong muốn và sẵn sàng đóng số tiền như trước để bữa ăn tại trường của các con được phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, nhà trường không thể đáp ứng được yêu cầu này.
Do vậy, bà Trang đồng tình với điều chỉnh tiền ăn bán trú quy định trong nghị quyết, bởi có thể giúp các trường tháo gỡ khó khăn, đồng thời cũng có điều kiện để chăm lo cho học sinh tốt hơn trước.
Trong khi đó, hiệu trưởng một trường THCS tại quận 5 cho hay, an toàn vệ sinh thực phẩm phải được đặt lên hàng đầu trong các bữa ăn bán trú. Thế nên, các trường phải chọn những đơn vị cung cấp, chế biến thực phẩm được cơ quan quản lý cấp giấy phép. Chính vì vậy, giá cung cấp sẽ cao hơn so với những nơi cung cấp tự phát. Đặc biệt, trong bối cảnh giá cả biến động theo chiều hướng tăng thì việc điều chỉnh tiền ăn bán trú là cần thiết.
Vị hiệu trưởng này cũng cho rằng, 40.000 đồng/suất ăn/ngày được coi là mức tối đa. Tùy vào tình hình thực tế, các trường có thể quyết định mức thu khác nhau chứ không phải đồng loạt tăng tối đa. Như khu vực nội thành có mức giá cả cao hơn ngoại thành thì các trường có thể thu tối đa hay những trường ở khu vực mà chi phí thực phẩm, nhân công, điều kiện di chuyển thấp hơn sẽ thu mức tiền thấp hơn.
Trong tháng 3 và tháng 4 vừa qua, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP. HCM đã tổ chức các buổi giám sát tại một số trường công lập ở những khu vực khác nhau để lắng nghe ý kiến từ nhà trường trong quá trình triển khai Nghị quyết 04.
Ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM, cho hay có nhiều ý kiến liên quan đến đề xuất tăng mức tiền ăn bán trú. Mức thu 35.000 đồng/suất ăn được ban hành sau khi khảo sát nhiều khu vực. Thời điểm đó, mức thu trên phù hợp với toàn thành phố. Nhưng sau khi triển khai, có ý kiến cho rằng biên độ các mức thu cần rộng hơn để tạo thuận lợi cho các trường. "Vấn đề này thỏa đáng, chúng tôi sẽ tiếp thu và sẽ làm việc với các sở, ngành", ông Cao Thanh Bình nói.
Theo quy trình, sau khi các địa phương góp ý kiến, Sở Giáo dục Đào tạo sẽ tham mưu để UBND thành phố trình HĐND TP. HCM trong kỳ họp định kỳ vào tháng 7, qua đó ban hành nghị quyết quy định các khoản thu áp dụng cho năm học 2024 - 2025.
Dự thảo các khoản thu thực hiện trong năm học 2024 - 2025, Sở Giáo dục Đào tạo TP. HCM còn điều chỉnh học phí trường thực hiện chương trình chất lượng cao "Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế".
Cụ thể, căn cứ tình hình thực tiễn, xây dựng mức thu đảm bảo nguyên tắc bù đắp đủ chi phí và có tích lũy hợp lý. Lộ trình thu phải được xác định cụ thể, phù hợp cấp học, việc điều chỉnh mức thu (nếu có) để thực hiện mục tiêu tiến tới tự chủ tài chính phải được xây dựng cuốn chiếu theo từng năm học, bắt đầu từ các lớp đầu cấp và ổn định cho từng khóa học, tỷ lệ tăng mức thu dịch vụ không quá 15%/năm và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt…
Dự thảo còn bổ sung một số khoản thu như: Dịch vụ hoạt động giáo dục ngoại ngữ, tin học theo chuẩn đầu ra các chứng chỉ quốc tế (do cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trực tiếp thực hiện) là 400.000 đồng/học sinh/tháng. Dịch vụ hoạt động giáo dục ôn thi tốt nghiệp đối với học sinh THPT (ngoài khung thời gian năm học) là 15.000 đồng/học sinh/tiết.
Điều chỉnh chi phí thuê máy lạnh với mức thu tối đa 50.000 đồng/học sinh/tháng với những lớp đã được trang bị sẵn máy lạnh và tối đa 110.000 đồng/học sinh/tháng với những lớp có nhu cầu sử dụng nhưng chưa có máy lạnh, phải đi thuê…
Vũ Dũng
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/tp-hcm-de-xuat-tang-5000-dongsuat-an-ban-tru-trong-nam-hoc-moi-4130.html