Đông Nam Á trở thành miếng mồi béo bở hút các “thợ đào coin”

Bloomberg đưa tin, các công ty khai thác coin đang dần hoàn thiện việc chuyển dịch sang khu vực Đông Nam Á sau khi Trung Quốc cấm lĩnh vực này vào năm 2021.

Năm 2023, ngành công nghiệp khai thác tiền mã hóa bất ngờ xuất hiện tại khu công nghiệp Borneo. Được biết, hơn 1.000 thiết bị đào coin chuyên dụng với công suất lớn đang hoạt động mỗi ngày, chính điều này tạo nên một khung cảnh chưa từng thấy giữa hòn đảo vắng vẻ.

Peter Lim – chủ sở hữu công ty Bityou đã chọn địa điểm ở Tanjung Manis (Malaysia) sau khi ông buộc phải đóng cửa một trung tâm khai thác lớn ở Trung Quốc.

Peter Lim cho biết, phần lớn công ty khai thác đã rời khỏi các khu công nghiệp ở Trung Quốc. Vì vậy, sau khi xem xét chúng tôi đã đưa ra quyết định tận dụng những nguồn tài nguyên bị bỏ hoang ở một số nước Đông Nam Á.

Ở khu vực Đông Nam Á, Peter Lim là một trong số nhiều thợ mỏ nổi tiếng nhưng không phải ai hoạt động trong lĩnh vực này đều hợp pháp. Trước đó, Trung Quốc từng là quốc gia thống trị và chiếm 3/4 hoạt động khai thác bitcoin trên toàn cầu. Cho đến khi chính quyền nước này tuyên bố các giao dịch liên quan đến tiền mã hóa bị coi là hoạt động tài chính bất hợp pháp thì ngành công nghiệp này đã bị tàn phá.

147f9f54305b335e65e46490c68f4a9d8aafb0c4-1718476048.jpg
Peter Lim và Alex Loh đứng cạnh một dàn khai thác

Một đồng nghiệp của Peter Lim là Alex Loh nói: “Lúc đó, chính quyền tại địa phương chỉ đơn giản là đi tịch thu tài sản của bạn.”

Ông Loh cũng cho biết thêm là khoảng 3.000 máy móc của ông đã bị thu giữ và một nhà máy ở Tứ Xuyên cũng vậy. Nhà máy này vừa đi vào hoạt động chưa đầy một tháng thì buộc phải dừng hoạt động.

Mặc dù vậy, giá bitcoin đã tăng hơn 4 lần kể từ đầu năm 2023 và hiện đang giao dịch quanh mức 67.000 USD. Dữ liệu được The Block Research cho thấy sự quan tâm của các tổ chức lớn đã mang lại lợi ích cho nhiều thợ mỏ. Ngoài ra, hiệu suất lạc quan của bitcoin cũng bù đắp một phần tác động của quá trình “halving” vào tháng 4 vừa rồi. Đây là một sự kiện xảy ra 4 năm/lần để cắt giảm phần thưởng của các thợ đào xuống còn một nửa.

Theo dữ liệu của Đại học Cambridge, vào tháng 1/2022, Mỹ dẫn đầu toàn cầu về hashrate, thước đo sức mạnh tính toán được sử dụng để xử lý các giao dịch trên mạng bitcoin.

Thứ hạng thứ hai thuộc về các quốc gia đến từ Đông Nam Á. Malaysia đóng góp 2,5% hashrate toàn cầu và nằm trong số 10 quốc gia hàng đầu. Bên cạnh đó, dữ liệu cũng cho thấy Malaysia và Indonesia là những nước tại Đông Nam Á có tỉ lệ tăng trưởng rõ rệt nhất.

Peter Lim đưa ra nhận định về nguyên nhân tăng sức hấp dẫn của khu vực Đông Nam Á đối với các thợ mỏ là do sự sẵn có của nguồn điện giá rẻ, lao động và cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, nhiều trung tâm đào coin đã tận dụng những khu vực bỏ hoang để thuê với giá rẻ cũng như ít chịu sự quản lý từ chính quyền nhằm đẩy mạnh hoạt động khai thác.

Mặc dù chưa có các quy định rõ ràng nhưng nhiều công ty khai thác đã tính dần chuyện hoạt động hợp pháp tại khu vực Đông Nam Á. Việc làm này nhằm đảm bảo các trung tâm được cung cấp nguồn điện ổn định, tránh những rắc rối về pháp lý trong tương lai.

chtc-dao-coin-la-gi-11-1646294png-1718475996.jpeg
Đông Nam Á hiện đang hút các thợ đào coin

Trên thực tế, việc xây dựng các trung tâm khai thác không phải là việc làm đơn giản. Giống như công ty của Peter Lim cũng chọn những địa điểm vắng vẻ để giảm thiểu sự quản lý của các cơ quan tại địa phương. Tuy vậy, cơ sở hạ tầng và năng lượng không ổn định lại gây ra vấn đề khác cho các trung tâm đào coin lớn.

Chẳng hạn như hoạt động khai thác tiền mã hóa ở Lào đã bị ngưng trệ do đợt hạn hán khắc nghiệt trong nửa đầu năm nay đồng nghĩa với việc công ty điện lực nhà nước đã rút nguồn cung cấp năng lượng cho các thợ đào. Tại Lào, khai thác coin chiếm hơn 1/3 tổng nhu cầu năng lượng tại Lào. Thêm nữa, các cuộc kiểm tra đột xuất của cảnh sát địa phương với những người khai thác coin sử dụng điện năng không hợp pháp thường xuyên xảy ra ở Malaysia, Indonesia và Lào.

Bộ trưởng năng lượng và tài nguyên của Malaysia - Takiyuddin Hassan cho biết hành vi trộm cắp điện của những người khai thác coin đã khiến quốc gia này thiệt hại khoảng 2,3 tỷ ringgit, tương đương với 550 triệu USD. Không chỉ vậy, con số này vẫn tiếp tục tăng vào đầu năm 2022.

Mặc dù còn tồn tại nhiều thách thức nhưng không thể phủ nhận lĩnh vực khai thác tiền mã hóa được dự báo sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ tại khu vực Đônng Nam Á.  Người sáng lập, CEO của SunnySide Digital, nhà phân phối phần cứng cho thiết bị khai thác - Taras Kulyk cho biết:  “Hoạt động khai thác Bitcoin ở Đông Nam Á đã sẵn sàng cất cánh trong vài năm tới."

Linh Trang

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/dong-nam-a-tro-thanh-mieng-moi-beo-bo-hut-cac-tho-dao-coin-4160.html