Mỗi ngày, ông Trần Văn Quang (Đống Đa, Hà Nội) đều có thói quen đọc báo buổi sáng trên chiếc điện thoại thông minh (smartphone) được cô con gái mua cho. Trước đây, ông thường đọc báo giấy, nhưng giờ đã chuyển sang đọc báo mạng.
Ông cho biết, ban đầu ông chỉ dùng điện thoại này khi có thông báo về các hoạt động tại chi bộ Đảng mà ông sinh hoạt. Sau dần, con cháu hướng dẫn ông đã biết sử dụng nhiều tính năng hơn, cũng có tài khoản trên mạng xã hội để chia sẻ những điều mình thích. Ông bảo, ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, đây như một niềm vui mới, bớt đi sự cô đơn khi con cháu bận rộn công việc và học tập.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hoàn (quận 1, TP. HCM) lại có thói quen đến một lớp học công nghệ thông tin ở đường Đinh Tiên Hoàng (quận 1). Học viên của lớp đều đã ở độ tuổi 50 - 90. Lớp học dạy các cụ làm quen mạng xã hội, cách truy cập internet, cài đặt ứng dụng, gửi email, thậm chí học cả chỉnh sửa hình ảnh bằng phần mềm trên điện thoại…
Ông Hoàn chia sẻ, lớp học đã giúp ông sử dụng smartphone thành thạo hơn. Bây giờ, ông có thể tự gọi điện hình nói chuyện với cô con gái ở tỉnh khác mà không cần tới sự hỗ trợ của ai.
Cũng tham gia lớp học này, cụ bà Khúc Thị Hằng (90 tuổi, ngụ Bình Thạnh, TP.HCM) rất chăm chỉ lên lớp. Cụ ghi chép tỉ mỉ những gì thầy giảng vào sổ tay, sau đó thực hành trực tiếp trên điện thoại của mình. Chỗ nào không biết, cụ đều nhờ thầy hoặc các bạn cùng lớp hỗ trợ.
Cụ Hằng chia sẻ, khó khăn nhất với người cao tuổi đi học là hay quên. Học lý thuyết trên lớp nhưng nhiều lúc thực hành vẫn khó thao tác và có nhiều thứ chưa làm được. Không bỏ cuộc, khi về nhà, một mình cụ lại mở sổ tay đọc kỹ rồi mò mẫm cho đến khi làm thông thạo mới thôi.
Cụ Hằng khoe nhờ đi học công nghệ thông tin nên cuộc sống hàng ngày ít dựa dẫm vào con cháu. Cụ có thể tự quản lý tiền nhờ cài và sử dụng thành thạo ứng dụng ngân hàng khi biết chuyển tiền trực tuyến, đóng tiền điện, nước nhận lương hưu… Bây giờ, cụ đã tự nhắn tin trên Zalo, Facebook để nói chuyện với con cháu, với nhóm lớp mà không cần ai chỉ dẫn nữa. Cụ còn biết truy cập internet, đọc báo, nhất là xem và nghe kinh Phật trên điện thoại luôn.
Chiếc smartphone giúp người già có thêm được niềm vui, giúp các cụ phần nào hòa nhập được với cuộc sống trong thời kỳ công nghệ số. Nhưng nó cũng tiềm ẩn những nguy hại. Bởi không chỉ người trẻ “nghiện” smartphone mà người già cũng vậy.
Chị Nguyễn Thị Thúy Giang (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, mẹ chồng chị có thể ngồi cả ngày xem điện thoại mà không biết chán. Gần như ngày nào, vợ chồng chị cũng phải nhắc nhở bà hạn chế xem điện thoại. Mẹ chồng chị có bệnh tiểu đường, cân nặng cũng cao, các bác sĩ khuyên bà nên vận động hàng ngày. Nhưng chỉ cần con cháu ra khỏi nhà đi làm, đi học là bà cầm điện thoại ngồi xem cả ngày.
Chị Giang chia sẻ, có những hôm bà xem điện thoại đến quên cả ăn trưa. Vợ chồng chị có lo lắng nhắc nhở, bà cũng không nghe.
Chị Nguyễn Trang Nhung cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Chị vừa sinh con thứ hai nên nhờ mẹ ruột từ quê lên giúp đỡ. Buổi tối, sợ con gái quấy khiến con trai đầu mất ngủ nên chị để con sang ngủ cùng mẹ mình. Thế nhưng, chị lại lo con trai nhỏ 5 tuổi có nguy cơ nghiện xem điện thoại vì tối nào bé cũng xem điện thoại cùng bà ngoại. Có hôm gần 12 giờ đêm, chị vẫn thấy 2 bà cháu nằm xem điện thoại.
Câu chuyện của gia đình anh Đinh Văn Công (Nam Định) lại có chút dở khóc dở cười hơn khi ông nội của anh mê mua sắm qua mạng. Ban đầu, con cháu mua smartphone cho cụ để thuận tiện liên lạc. Nhưng sau đó, ông cụ xem các buổi livestream bán hàng, rồi nhờ con cháu hướng dẫn cách mua. Từ đó, tháng nào ông cụ cũng tiêu hết tiền lương để mua đồ, thậm chí cụ còn xin thêm con cháu.
Anh Công cho hay, tổng các loại thì lương của ông nội anh cũng được gần 8 triệu đồng. Ở quê, số tiền này quá đủ để chi tiêu, vậy mà tháng nào ông anh cũng tiêu hết. Quan trọng là phần lớn các món hàng mà ông anh mua không sử dụng được trong gia đình. Anh bảo, nếu biết có chuyện này thì đã không chỉ ông cách mua hàng trên mạng.
Du Vũ
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/do-khoc-do-cuoi-chuyen-nguoi-gia-nghien-mang-xa-hoi-tieu-het-tien-luong-vao-mua-sam-online-4164.html