Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo, sau đại dịch Covid-19, thế giới sẽ đối mặt với dịch bệnh không lây nhiễm. Vì vậy, ngoài phòng chống các bệnh truyền nhiễm mới nổi, các nước cần tập trung phòng, điều trị bệnh không lây nhiễm như tim mạch, đái tháo đường, bệnh tâm thần, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư...
Tại Việt Nam, thống kê từ các bệnh viện cho thấy, 65 - 75% người bệnh nội trú mắc các bệnh không lây nhiễm. Các khoa điều trị ung thư, hô hấp, tim mạch đều rất đông bệnh nhân. Sức khỏe tâm thần cũng đang là thách thức rất lớn.
Theo nhiều nghiên cứu khoa học, tất cả bệnh không lây nhiễm ở nước ta đều gia tăng nhanh chóng, nhưng chỉ 1/3 số bệnh nhân mắc bệnh được phát hiện và điều trị. Ngoài ra, Việt Nam còn nằm trong top 10 quốc gia sử dụng nhiều rượu bia nhất thế giới. Điều này làm gia tăng tai nạn thương tích, nhồi máu cơ tim, đột quỵ não. Tỷ lệ hút thuốc lá cao cũng là tác nhân gây ra các bệnh ung thư, tim mạch, phổi tắc nghẽn mạn tính...
Ước tính mỗi năm số ca tử vong do bệnh không lây nhiễm tại nước ta chiếm tới khoảng trên 77% tổng số tử vong do mọi nguyên nhân, chủ yếu là do các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính...
Trước thực trạng này, mới đây, Bộ Y tế vừa phê duyệt Đề án dự phòng, phát hiện, quản lý điều trị các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2024 - 2025.
Đề án nhằm tăng cường các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị để hạn chế sự gia tăng tỷ lệ người tiền bệnh, mắc bệnh, tàn tật và tử vong sớm do các bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần. Qua đó, góp phần chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe của người dân...
Trong đề án, Bộ Y tế đưa ra mục tiêu: Thứ nhất, tăng tỷ lệ dự phòng, phát hiện, quản lý điều trị người mắc bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần. Thứ hai, phát triển, nâng cao năng lực hệ thống để bảo đảm cung cấp dịch vụ phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần. Thứ ba, phát triển, nâng cao năng lực hệ thống giám sát, quản lý thông tin, thống kê báo cáo bệnh không lây nhiễm, rối loạn sức khỏe tâm thần và các yếu tố nguy cơ.
Để đạt được các mục tiêu trên, Bộ Y tế nhấn mạnh cần tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm tra sức khỏe, khám sàng lọc, đo các chỉ số và thực hiện những nghiệm pháp phù hợp nhằm phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần. Đối tượng là người dân mọi độ tuổi, ưu tiên người từ 40 tuổi trở lên và người có nguy cơ cao mắc bệnh (xác định tùy theo từng bệnh).
Bộ Y tế cũng nêu rõ cần phải tổ chức theo dõi, kiểm tra định kỳ, tư vấn, dự phòng cho người tiền bệnh, người có nguy cơ cao mắc các bệnh không lây nhiễm và một số rối loạn sức khỏe tâm thần. Cụ thể, tập trung vào người thừa cân, béo phì; người có nguy cơ tim mạch; người nghiện thuốc lá… Tập trung sàng lọc và can thiệp giảm tác hại cho người có nguy cơ sức khỏe do uống rượu, bia. Đồng thời, lập phiếu theo dõi, tư vấn tâm lý cho người có nguy cơ cao mắc rối loạn tâm thần.
Bên cạnh đó, lồng ghép các hoạt động trên trong quản lý, chăm sóc sức khỏe trẻ em, học sinh, sinh viên tại cơ sở giáo dục; quản lý sức khỏe người lao động trong cơ quan, tổ chức; quản lý sức khỏe người cao tuổi; quản lý, theo dõi sức khỏe người dân tại cộng đồng, tại Trạm Y tế xã và các cơ sở y tế liên quan..
Vân Thanh
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/hon-77-cac-ca-tu-vong-do-benh-khong-lay-nhiem-gay-ra-4196.html