Điều chỉnh giá điện: Tăng phải báo cáo, giảm phải thực hiện ngay

Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, khi chi phí đầu vào, giá thành điện giảm thì Bộ sẽ giám sát, xem xét yêu cầu EVN phải giảm ngay. Với trường hợp tăng giá thì sẽ báo cáo để xem xét trong thẩm quyền của EVN hoặc của Bộ hoặc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Tại họp báo thường kỳ quý II của Bộ Công Thương tổ chức chiều ngày 19/6, vấn đề điều hành giá điện đã được đưa ra. Ông Nguyễn Thế Hữu - Phó cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cho biết, Bộ Công Thương đã cử đoàn kiểm tra giá thành điện năm 2023 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Đến thời điểm này, kiểm tra chưa có kết quả. Do đó, việc điều chỉnh giá điện vào thời điểm nào, tăng bao nhiêu,sẽ phụ thuộc kết quả kiểm tra. Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay, đoàn kiểm tra sẽ tính toán đảm bảo tính khách quan, khoa học, có công thức cụ thể phương án giá điện.

gia-dien-1-1718874092.jpg
Họp báo thường kỳ quý II của Bộ Công Thương

Trước đây, cơ sở để xem xét điều chỉnh giá điện là Quyết định 24/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng mới đây, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 05/2024 (áp dụng từ ngày 15/5/2024) với nhiều nội dung thay đổi.

Với quy định bổ sung mới, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh: "Chúng ta đừng nghĩ giá điện chỉ có tăng, mà sẽ có cả giảm". Theo ông, khi giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép giảm tương ứng và phải giảm nhanh.

Ngược lại, nếu tăng từ 3 - 10% thì phải phân các cấp có thẩm quyền quyết định. Trường hợp giá bán điện bình quân cần tăng từ 3% đến dưới 5%, EVN quyết định. Lúc này, EVN lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan để kiểm tra, giám sát. Trường hợp giá bán điện bình quân cần tăng từ 5% đến dưới 10%, EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận.

Trường hợp giá bán điện bình quân cần tăng từ 10% trở lên hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, trên cơ sở hồ sơ phương án giá điện do EVN trình, Bộ Công Thương chủ trì kiểm tra, rà soát và gửi lấy ý kiến Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan. Từ cơ sở góp ý của Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan, Bộ Công Thương tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến. Trường hợp cần thiết, Bộ Công thương phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá trước khi báo cáo Thủ tướng.

Về chu kỳ điều hành giá, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay, Quyết định 05/2024 quy định 3 tháng điều chỉnh giá điện một lần. Ông khẳng định, khi chi phí đầu vào, giá thành điện giảm thì Bộ Công Thương sẽ giám sát, xem xét yêu cầu EVN phải giảm ngay. Trường hợp tăng giá sẽ báo cáo để xem xét trong thẩm quyền của EVN hoặc của Bộ hoặc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

gia-dien-1718874092.jpg
Theo quyết định mới, EVN muốn tăng giá điện thì phải báo cáo, trường hợp giảm phải thực hiện ngay

Sau một thời gian giữ giá để kiểm soát lạm phát và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19, năm 2023, EVN đã 2 lần tăng giá bán lẻ điện bình quân. Dù vậy, EVN vẫn báo lỗ khoảng 17.000 tỷ đồng. Do đó, nếu không tăng giá bán lẻ điện, thì không có nguồn tài chính để tái đầu tư, tiếp tục sản xuất, phân phối điện, đảm bảo phục vụ phát triển kinh tế và sinh hoạt của người dân.

Theo PGS.TS. Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), nền kinh tế nước ta theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Với ngành điện, đầu vào hoàn toàn theo cơ chế thị trường, nhưng đầu ra Nhà nước phải kiểm soát.

Kết quả kiểm toán của Deloitte nhận định, năm 2023, EVN phải tăng giá bán lẻ điện bình quân 13-15% thì mới đủ bù đắp chi phí. Nhưng Nhà nước chỉ cho phép tăng tổng cộng 7,5% và phải chia làm 2 lần để “giảm sốc”.

Trong thực tế và kinh tế học, giá hàng hóa, dịch vụ không bao giờ ngừng tăng. Điều này đúng với cả những nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU... Trừ những thời kỳ đặc biệt mới diễn ra giảm phát, còn lại đều lạm phát, mức lạm phát thông thường khoảng 2-3%. Đây là nguyên nhân ngân hàng trung ương các nước lấy mặt bằng giá cả dịch vụ, hàng hóa tăng khoảng 2% là lạm phát mục tiêu hàng năm.

Do vậy, đầu vào của sản xuất, phân phối điện hàng năm đều tăng, ít nhất là 2 - 3%. Ngoài ra, hàng năm phải điều chỉnh lương tối thiểu vùng dẫn tới chi phí lương cho người lao động của EVN tăng. Từ đó, giá điện chỉ có tăng, cơ hội giảm giá là hãn hữu, nhất thời.

Vân Thanh

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/dieu-chinh-gia-dien-tang-phai-bao-cao-giam-phai-thuc-hien-ngay-4286.html