Sức hút lớn của bất động sản khu công nghiệp
Phân khúc bất động sản công nghiệp đang cho thấy sức hút lớn khi dẫn đầu về giá trị vốn đầu tư từ đầu năm 2023 đến nay (chiểm tỉ trọng 46%). Một số giao dịch lớn nhận được sự quan tâm của thị trường như Foxconn đầu tư ở Khu công nghiệp Quang Châu, tỉnh Bắc Giang, Goertek đầu tư ở Khu công nghiệp WHA, tỉnh Nghệ An…
Theo đó, khối đầu tư ngoại kỳ vọng mức lợi nhuận tốt hơn ở thị trường Việt Nam trong bối cảnh các rủi ro kinh tế toàn cầu và sự cạnh tranh từ các thị trường khác trong khu vực. Các tiêu chí của bên mua hiện tại sẽ ưu tiên các dự án nằm ở vị trí thuận lợi, có pháp lý sạch và giá chào bán phù hợp, linh hoạt.
Bên cạnh đó, thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra, tính đến cuối tháng 7 năm 2023, FDI vào Việt Nam đạt 13,43 tỷ USD. Trong đó, lĩnh vực bất động sản đứng thứ 3 các ngành khi thu hút được 1,53 tỷ USD.
Đáng chú ý, tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp hiện hữu trên địa bàn cả nước với con số khá ấn tượng - khoảng 80% tại khu vực phía Bắc và trên 85% tại khu vực phía Nam. Ngoài ra, giá cho thuê đất bình quân cho cả chu kỳ thuê tại các khu công nghiệp tăng đều so với các quý trước.
Ông Lê Văn Chiến, giám đốc một doanh nghiệp ở khu vực phía Bắc cho biết, hiện công ty có 700 ha đã có hợp đồng thuê đất từ Nhà nước, trong đó diện tích đất thương phẩm là 500 ha, đủ để kêu gọi nhà đầu tư cho 3-5 năm tới.
Trong khi đó, lãnh đạo một công ty cổ phần đang có hơn 300 ha đất sẵn sàng cho thuê tại Bà Rịa - Vũng Tàu cho hay, nửa cuối năm 2023, lợi nhuận của doanh nghiệp này có thể tăng 110% so với cùng kỳ, do tiếp tục ghi nhận diện tích cho thuê còn lại. Để chuẩn bị quỹ đất phát triển khu công nghiệp trong thời gian tới, vị lãnh đạo cho biết luôn có sự chuẩn bị sẵn sàng để thu hút các nhà đầu tư mới của nước ngoài cùng hợp tác, đầu tư.
Nhờ vào các lợi thế về nền kinh tế định hướng xuất khẩu với nhiều chính sách hỗ trợ vùng với vị trí địa lý chiến lược cùng, thị trường Việt Nam được các chuyên gia đánh giá vẫn là điểm đến được các nhà đầu tư cân nhắc và lựa chọn nơi lý tưởng để đầu tư.
Cần nắm bắt thời cơ
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Việt Hoàng cho biết: Có thể thấy, sự xuất hiện của Samsung, Intel, Pegatron, Foxconn, Luxshare, Goertek… với các dự án lên tới hàng tỷ USD đã dần "biến" Việt Nam trở thành mắt xích không thể thiếu trong chuỗi giá trị toàn cầu. Chỉ tính riêng từ đầu năm tới nay, hàng loạt dự án đầu tư quy mô lớn đã tới Việt Nam; trong đó có các dự án hàng trăm triệu USD của Compal, Quanta Computer… Đây đều là các nhà sản xuất linh kiện cho “ông lớn” Apple.
Gần đây, tiếp tục có nhiều nhà đầu tư tìm đến, không chỉ trong lĩnh vực điện tử nói chung mà còn là lĩnh vực bán dẫn, mà Việt Nam đang mong muốn, khuyến khích đầu tư. Chẳng hạn, Tập đoàn Victory Gaint Technology (Trung Quốc) muốn đầu tư dự án linh kiện bán dẫn trị giá 400 triệu USD ở Bắc Ninh.
Theo ông Hoàng, các nhà đầu tư Nhật Bản, châu Âu, Mỹ cũng đều khẳng định Việt Nam là địa điểm đầu tư hàng đầu của họ. “Khi tìm kiếm những lựa chọn ngoài Trung Quốc để di chuyển các nhà máy sản xuất, Việt Nam nổi lên như một địa điểm lý tưởng với khoảng cách địa lý gần, nhân công có tay nghề với chi phí cạnh tranh và hạ tầng đang được đầu tư phát triển mạnh mẽ. Đây là lý do để nói rằng bất động sản công nghiệp của Việt Nam sẽ “bung lụa” trong thời gian tới”, vị chuyên gia nhận định.
Bên cạnh đó, ngày 9/1/2023, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 81/2023/QH15 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó xác định cụ thể quan điểm phát triển và tổ chức không gian phát triển thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội của 6 vùng kinh tế - xã hội trên cả nước. Bộ Chính trị đã ban hành các nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ phát triển các vùng, địa phương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trên cơ sở đó, các Bộ, ngành, địa phương đã và đang triển khai việc xây dựng các quy hoạch vùng, quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch tỉnh.
Đây là cơ hội lớn để sắp xếp, tổ chức lại không gian phát triển của các vùng kinh tế - xã hội; trên cơ sở đó, đẩy mạnh thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế.
Cùng với đó, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược với một số mục tiêu tổng quát như: Thu hút các dự án đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa tích cực, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; mở rộng thị trường; nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và sản phẩm nội địa; nâng cao hiệu quả, chất lượng toàn diện trong công tác thu hút, sử dụng vốn đầu tư nước ngoài, tăng tỷ lệ đóng góp của khu vực đầu tư nước ngoài trong phát triển kinh tế - xã hội, tương xứng với những ưu đãi, hỗ trợ được hưởng.
“Để đưa các chính sách thu hút vốn FDI, phát triển thị trường bất động sản công nghiệp sớm đi vào cuộc sống rất cần Chính phủ, các bộ ngành và địa phương nhận diện những nút thắt kiến giải cũng như đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn để tận dụng tối đa nguồn vốn đầu tư”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Việt Hoàng bày tỏ.
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/bat-dong-san-khu-cong-nghiep-sap-bung-lua-433.html