Nhập viện tâm thần vì nghiện mạng xã hội

Khang (14 tuổi) phải nhập viện điều trị chứng trầm cảm, nguyên nhân do lạm dụng mạng xã hội. Qua thăm khám và làm các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán Khang mắc chứng nghiện mạng xã hội, trầm cảm nặng, phải nhập viện điều trị.

Nhập viện tâm thần vì nghiện mạng xã hội

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trẻ em được tiếp xúc nhiều hơn với các thiết bị điện tử là máy tính và điện thoại thông minh (smartphone) để phục vụ việc học từ xa. Sau khi đại dịch kết thúc, nhiều gia đình dường như đã mất thói quen hạn chế con sử dụng smartphone. Từ đó, tỷ lệ trẻ nghiện điện thoại, mạng xã hội… tăng lên.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nghiện mạng xã hội được biểu hiện bằng việc luôn bận tâm và liên tục sử dụng internet; nhu cầu dùng ngày càng tăng, "không thể chịu đựng nếu không vào mạng"; sử dụng mạng như một biện pháp để thoát khỏi các vấn đề bản thân; buồn, ủ rũ chán nản khi không được dùng...

nghien-mang-xa-hoi-1-1719103768.jpg
Thanh thiếu niên sử dụng mạng xã hội hơn 3 giờ mỗi ngày có nguy cơ cao gặp các vấn đề sức khỏe tâm thần 

Ở Việt Nam, các chuyên gia đánh giá tình trạng lệ thuộc mạng xã hội là rất phổ biến. Báo cáo Digital năm 2021 cho thấy, mỗi ngày, người Việt dùng internet trung bình 6 tiếng 47 phút, trong đó 2 tiếng 21 phút dành riêng cho mạng xã hội. Hiện nay, nước ta chưa có thống kê về số trẻ vị thành niên nghiện mạng xã hội. Song tỷ lệ học sinh mắc các chứng rối loạn tâm thần ngày càng tăng và mạng xã hội là một trong nguyên nhân gây ra tình trạng trên.

Trước kỳ thi cấp 3, Khang (14 tuổi) phải nhập viện điều trị chứng trầm cảm, nguyên nhân do lạm dụng mạng xã hội. Mẹ cậu bé cho biết, vợ chồng chị thường xuyên công tác xa nhà nên Khang ở với bà nội. Cậu bé được "thoải mái" dùng điện thoại và máy tính. Đầu năm nay, chị chuyển việc về gần nhà để tiện đưa đón, chăm sóc con khi cậu bé có kỳ thi đầu cấp quan trọng. Lúc này, chị mới phát hiện con học hành không tập trung, thường xuyên cáu gắt, mệt mỏi, có xu hướng rút lui khỏi mọi hoạt động xã hội.

Một lần tình cờ xem điện thoại của con, chị phát hiện Khang tham gia vào các hội nhóm tiêu cực trên mạng xã hội, thường xuyên nhắn tin với những từ tục tĩu. Đặc biệt, lịch sử truy cập xuất hiện nhiều nội dung dạy cách tự làm đau (self harm), thử thách gây hại, thậm chí nguy hiểm tính mạng. Khi bị tịch thu điện thoại, Khang đã phản kháng, thậm chí đòi tự tử.

Khang được gia đình đưa đến Bệnh viện Tâm thần Mai Hương. Tại đây, cậu tâm sự với bác sĩ rằng "thích xem hình ảnh tai nạn, chảy máu vì dễ chịu, thư giãn" và "không thể rời bỏ mạng xã hội". Qua thăm khám và làm các xét nghiệm, Khang được chẩn đoán mắc chứng nghiện mạng xã hội, trầm cảm nặng, phải nhập viện điều trị.

Con gái chị Hồng (ở Thanh Xuân, Hà Nội) cũng phải nhập viện vì rối loạn lo âu chỉ sau một tháng nghỉ hè ở nhà dùng điện thoại. Chị Hồng cho biết, cô bé "ôm" điện thoại lúc ăn, đi tắm, thậm chí cả khi đi ngủ. Cô bé thường xuyên trong tình trạng thức khuya lướt mạng đến khi ngủ thiếp đi vì mệt, song chỉ cần nghe chuông báo từ điện thoại thì nhanh chóng bật dậy mở xem.

Lo lắng, chị Hồng yêu cầu con chỉ được dùng điện thoại 3 giờ một ngày. Bị giới hạn thời gian, con chị luôn vùng vằng, khó chịu, thường tranh thủ lúc chị Hồng không có nhà để dùng điện thoại. Dần dần, nữ sinh sụt cân nhanh, tự nhốt mình trong phòng, thường nghe thấy tiếng mắng chửi bên tai.

Lúc này, chị Hồng vội đưa con đi khám. Các bác sĩ chẩn đoán, con gái chị bị trầm cảm với triệu chứng loạn thần, phải điều trị thuốc kết hợp liệu pháp tâm lý, không được tiếp xúc điện thoại.

nghien-mang-xa-hoi-2-1719103768.jpg
Trẻ em dễ bị tổn thương nhất bởi mạng xã hội

Trẻ là đối tượng dễ bị tổn thương nhất từ mạng xã hội

Thống kê từ hàng ngàn bệnh nhân đến khám và điều trị tại Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho thấy, 43% thanh thiếu niên từ 10 - 24 tuổi có dấu hiệu nghiện internet. Còn nghiên cứu đăng trên American Journal of Preventive Medicine cho thấy, thanh thiếu niên từ 12 - 15 tuổi sử dụng mạng xã hội hơn 3 giờ mỗi ngày, có nguy cơ gặp các vấn đề sức khỏe tâm thần cao gấp đôi những người không sử dụng. Nghiên cứu từ Đại học Cambridge (Anh) chứng minh, nữ giới từ 11 - 13 tuổi và nam giới 14 - 15 tuổi là hai nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất bởi mạng xã hội.

Theo các chuyên gia, việc trẻ tiếp xúc, sử dụng máy tính, smartphone, mạng xã hội quá nhiều sẽ thay thế các hoạt động quan trọng giúp phát triển bộ não như ngủ, tập thể dục, gặp gỡ người thân, bạn bè. Các nền tảng mạng xã hội tràn ngập nội dung cực đoan, có hại… nhưng được "bình thường hóa" như hành vi tự làm hại bản thân, tự sát, rối loạn ăn uống...

Bên cạnh đó, áp lực trước những hình ảnh hào nhoáng, đẹp đẽ trên mạng xã hội, cũng như áp lực từ lượt thích (like) và bình luận khiến người trẻ đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe tâm lý, điển hình là chứng rối loạn lo âu.

Sự tập trung quá mức vào mạng xã hội ngăn cản người trẻ hình thành các mối quan hệ thực tế. Nghiện mạng xã hội khiến họ không còn dành thời gian để suy nghĩ về những mục tiêu trong cuộc sống, gây mất động lực, đồng thời kích thích những suy nghĩ tiêu cực. Thể chất của trẻ cũng gặp vấn đề như cận thị, rối loạn giấc ngủ, thoái hóa cột sống cổ, hội chứng co cứng cơ cột sống...

Internet là xu hướng của thời đại, điều này có nghĩa không thể loại trừ nó ra khỏi cuộc sống của trẻ em. Vậy sử dụng như thế nào để không lâm vào cảnh lệ thuộc?

TS. BS Lê Thị Thu Hà - Trưởng phòng Sử dụng chất và y học hành vi Viện Sức khỏe tâm thần Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, đầu tiên gia đình phải chú ý thời gian chơi và cách thức chơi ngay từ khi con đang còn nhỏ. Vì thông thường, từ khi còn bé hoặc vị thành niên đã sử dụng điện thoại chứ không phải lớn rồi mới chơi. Thời gian chơi nên giới hạn với ngày nghỉ là dưới 2 tiếng và dưới 1 tiếng với ngày thường.

Thứ hai là phải cân đối thời gian và địa điểm chơi của con. Thực tế, các địa điểm chơi ngoài trời hơi ít, bố mẹ cũng không có nhiều thời gian nên phải cân đối được, nhất là mùa hè.

Thứ ba, bố mẹ cần phải làm gương vì rất nhiều trường hợp trẻ nói “bố mẹ cháu suốt ngày sử dụng”. Do đó, bản thân bố mẹ cũng cần phải lưu ý. Tại sao bố mẹ được dùng mà con không được dùng đấy là những câu trẻ rất hay đặt ra.

Thạc sĩ Vương Nguyễn Toàn Thiện - Giám đốc chuyên môn Trung tâm tham vấn và trị liệu tâm lý Lumos cho biết, việc giáo dục và truyền thông về tác hại của mạng xã hội cần được đẩy mạnh trong gia đình, nhà trường. Các kỹ năng về tự bảo mật thông tin cá nhân, chống nguy cơ xâm hại, bắt nạt trên không gian mạng cần được chú trọng như một kỹ năng sống cho học sinh.

Một trong những cách cơ bản để phụ huynh có thể áp dụng là hãy chấp nhận và khen ngợi những điểm tích cực của con. Đừng so sánh trẻ với "con nhà người ta" hoặc các chuẩn mực mà ba mẹ muốn hướng đến. Thực tế, mối quan hệ gia đình vẫn là nền tảng cho sự phát triển tinh thần lành mạnh ở trẻ em. Một bữa cơm chung không dùng thiết bị điện tử sẽ giúp cha mẹ, con cái lắng nghe và quan tâm nhau hơn.

Du Vũ

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/nhap-vien-tam-than-vi-nghien-mang-xa-hoi-4350.html