Nuôi thú cưng như chó, mèo đang là xu hướng được yêu thích. Tuy nhiên, vì vấn đề vệ sinh và tiếng ồn, nhiều chung cư cấm nuôi. Có chung cư cho phép nuôi thú cưng thì cùng đưa ra những điều kiện kèm theo.
Chị Nguyễn Diệu Ninh (27 tuổi) đang thuê phòng tại một chung cư ở quận 5 (TP.HCM). Chị Ninh cho biết, chỗ chị ở cho nuôi thú cưng là chó, mèo. Tuy nhiên, chủ khi dắt chó, mèo đi phải sử dụng thang máy riêng. Ban quản lý chung cư còn dán thông báo cấm thú cưng dùng thang máy cư dân.
Trước khi chuyển về chung cư này, chị có nuôi 1 chú chó. Nhưng lúc đó, chị ở nhà thuê nguyên căn, ít người ở cùng, mọi người cũng đều dễ tính nên chị không thấy nuôi chú cún này có vấn đề gì. Tới khi chuyển sang chung cư, chị nhận thấy việc nuôi có nhiều bất tiện về vệ sinh, không gian sinh hoạt. Ngoài ra, việc đi làm ở ngoài thường xuyên không có nhiều thời gian quan tâm đến vật nuôi ở nhà, nên chị đã quyết định không nuôi nữa.
Chị Ninh chia sẻ, nhiều chung cư cấm nuôi chó, mèo thì hơi khắt khe. Có thể cho cư dân nuôi vì các hộ dân ở tách biệt cũng không ảnh hưởng đến nhau. Tuy nhiên, với những không gian sinh hoạt chung của cư dân như sảnh, thang máy, sân đi bộ, khu vui chơi trẻ em,… Ban quản lý cấm không cho thú cưng đến để đảm bảo an toàn là đúng.
Anh Đinh Mạnh Thắng (quận 2, TP. HCM) cho biết, chung cư nơi anh ở cho phép nuôi chó, mèo. Anh từng bức xúc phản ánh với ban quản lý chung cư về tiếng ồn từ 2 con chó mà hàng xóm nuôi. Anh Thắng bảo, cả tuần đi làm vất vả, chủ nhật muốn được ngủ nướng thì 7 giờ sáng, chó nhà hàng xóm đã sủa ầm ĩ. Sau nửa tiếng chịu đựng mà vẫn không thấy chúng ngừng sủa, anh đã trực tiếp sang nói chuyện với người hàng xóm và phản ánh tới ban quản lý.
Anh Thắng cho hay, anh không khó khăn gì với chuyện hàng xóm nuôi thú cưng, nhưng người chủ phải có ý thức để không làm ảnh hưởng đến cư dân khác.
Chị Trần Quỳnh Trang (27 tuổi, TP. Thủ Đức, TP. HCM) cho hay, dù rất muốn nhưng chị vẫn quyết định không nuôi chó mèo ở chung cư. Chị sợ nuôi chó mèo sẽ gây tiếng ồn, ảnh hưởng đến những nhà xung quanh.
Ngoài ra, nhà chung cư, các căn hộ ở sát nhau, không gian sinh hoạt khác hơn nhiều so với nhà riêng. Chẳng may chó mình nuôi tiếp cận, cắn hàng xóm thì sẽ phát sinh rất nhiều rắc rối. Hơn nữa, ở chung cư chó mèo sẽ gây ảnh hưởng đến không gian sinh hoạt chung nên chị quyết định nhường chú chó của mình cho người thân ở quê nuôi.
Về vấn đề này, Ths. Võ Thanh Tuyền - Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học quốc gia TP. HCM chia sẻ, do đặc trưng lối sống đô thị phải tương thích với không gian hiện hữu nên việc nuôi chó mèo ở chung cư còn nhiều bất cập về vệ sinh và tiếng ồn.
Ở nông thôn, không gian sống rộng, chó mèo có thể thoải mái đi vệ sinh, kêu, sủa mà không làm ảnh hưởng đến người khác. Còn ở đô thị, với tính chất "nén" không gian sống, nếu sơ suất để chó mèo đi vệ sinh ở hành lang hoặc khu vực chung sẽ gây mùi và mất mỹ quan. Trong không gian chật hẹp, tiếng ồn phát sinh từ chó mèo rất dễ làm người khác khó chịu.
Ths. Võ Thanh Tuyền đánh giá, mỗi chung cư sẽ có quy định khác nhau về việc nuôi chó, mèo. Điều này xuất phát từ những bất cập về vệ sinh hay tiếng ồn làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của cư dân. Với trường hợp cấm nuôi, ban quản lý có thể gặp nhiều ý kiến trái chiều vì không có luật cấm nuôi chó, mèo. Tuy nhiên, ban quản lý có thể tìm một căn cứ khác ngoài luật như khảo sát cư dân và ban hành quy định theo số đông….
Trường hợp cho phép nuôi, ban quản lý cần có những quy định dành cho cư dân nuôi chó mèo. Quy định đó được xây dựng dựa trên các luật liên quan như luật phòng chống dịch bệnh, nghị định về an ninh trật tự có liên quan đến việc nuôi chó, mèo,…
Du Vũ
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/nuoi-cho-meo-tai-chung-cu-bat-cap-cho-chu-nuoi-phien-ha-toi-hang-xom-4369.html