Phát hành chứng chỉ vàng có thể “trị” đầu cơ tích trữ?

Các chuyên gia cho rằng, để loại bỏ thói quen tích trữ vàng, giao dịch mua bán vàng vật chất đã lạc hậu, Ngân hàng Nhà nước cần phát hành chứng chỉ vàng để các giao dịch thuận lợi, hiện đại hơn.

Trước những diễn biến “bất ổn” của thị trường vàng trong nước kể từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng đã áp dụng nhiều biện pháp để quản lý thị trường và bình ổn giá vàng. Kết quả đạt được khá khả quan khi chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đã duy trì ở mức 4 triệu đồng/lượng.

Ổn định thị trường, hạn chế đầu cơ tích trữ

Tuy nhiên, theo báo cáo vừa công bố của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), việc giá vàng giảm khiến nhu cầu đầu tư, dự trữ vàng trong dân có xu hướng tăng lên. Bằng chứng là hàng dài người xếp hàng tại các điểm bán vàng của 5 đơn vị được Nhà nước giao phó bán vàng “bình ổn” và hàng chục nghìn lượt truy cập website mỗi ngày khi các đơn vị này chuyển sang đăng ký mua vàng trực tuyến.

Thậm chí, đã xảy ra các trường hợp như thuê xếp hàng, thao túng, tung tin lũng đoạn thị trường. Dù các đơn vị tham gia bán vàng miếng SJC đều khẳng định sẽ tiếp tục cải tiến quy trình, công nghệ để tạo sự thuận lợi cho người dân có nhu cầu thực, loại bỏ đầu cơ nhưng rõ ràng “cơn sốt” vàng vẫn luôn hiện hữu.

Ngoài ra, mặt bằng lãi suất kéo dài như hiện nay là một trường lý tưởng để tạo sóng với bất kỳ loại tài sản nào. Năm 2024, sóng vàng còn thuận lợi hơn nhờ giá vàng thế giới tăng, các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản chưa đủ sức “nóng” để hút dòng tiền như giai đoạn 2021-2022.

mua-ban-vang-1719169554.jpg
Việc người dân “ùn ùn” đổ tiền vào vàng, thanh toán bằng vàng, các ngân hàng huy động và cho vay vàng đang là những biểu hiện của “vàng hóa”

Do vậy VEPR nhận định, giá vàng trong nước “nhảy múa” và chênh lệch với thế giới không hoàn toàn phản ánh cân đối cung cầu. Để “trị” chênh lệch giá vàng không chỉ vào việc nhập khẩu vàng để “bình ổn giá”, mà trong bối cảnh này, các biện pháp hành chính trở nên đặc biệt quan trọng để đảm bảo sự minh bạch và ngăn chặn thao túng giá.

Theo đó, VEPR đề xuất, cần nghiên cứu, đánh giá và thực hiện sửa đổi bổ sung toàn diện Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu áp dụng biện pháp cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho các doanh nghiệp đủ điều kiện và xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ, giảm tập trung vào vàng miếng, tiến tới hạn chế lưu thông vàng miếng trên thị trường.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia kinh tế cho rằng, việc người dân “ùn ùn” đổ tiền vào vàng, thanh toán bằng vàng, các ngân hàng huy động và cho vay vàng đang là những biểu hiện của “vàng hóa” đã quay trở lại. Đây là hiện tượng cần phải chống tuyệt đối bởi “vàng hóa” gây nhiều rủi ro liên quan đến vấn đề an ninh, kinh tế.

Vì thế, cả TS. Nguyễn Trí Hiếu và VEPR, cùng nhiều chuyên gia khác đã đưa ra kiến nghị đối với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc cấp phép phát hành chứng chỉ vàng. Những chứng chỉ này có thể được sử dụng để giao dịch trên các sở giao dịch vàng quốc gia, thay vì vàng vật chất.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Học viện Tài chính, trong thời đại số hóa hiện nay, việc mua vàng chứng chỉ rất dễ dàng, không cần thiết phải nắm giữ vàng vật chất quá nhiều. Điều này góp phần giảm đầu cơ, hạ nhiệt giá vàng.

Vẫn còn nhiều lưu ý

Thực tế, giải pháp phát hành chứng chỉ vàng không mới, đã được nhiều quốc gia trên thế giới ứng dụng để quản lý thị trường vàng. Các chứng chỉ này sẽ do NHNN phát hành với nhiều loại mệnh giá, người gửi vàng không được phép rút trước hạn.

Đơn cử như ở Ấn Độ, chứng chỉ vàng thường có kỳ hạn từ 3-7 năm, lãi suất do ngân hàng quy định. Khi đến hạn người gửi sẽ được thanh toán bằng vàng, hoặc tiền tương ứng theo yêu cầu. Đặc biệt, chứng chỉ vàng có thể chuyển nhượng và người sở hữu không phải chịu thuế.

Nếu có thể mở được “kho” vàng trong dân mà theo ước tính lên tới 500 tấn thông qua chứng chỉ vàng, nền kinh tế đã có thêm khoảng 20 tỉ USD để đầu tư, sản xuất kinh doanh. Nếu không cũng có thể sử dụng làm dự trữ quốc gia, bảo đảm giá trị tiền đồng, hay một khoản bảo đảm của Chính phủ để vay tiền của các tổ chức tài chính thế giới.

chung-chi-vang-1719169628.jpg
Chứng chỉ vàng mang lại sự thuận tiện nhưng khi phát hành vẫn cần lưu ý nhiều điểm

Tuy nhiên, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, ưu điểm của loại hình tài sản này là quá rõ ràng nhưng muốn thực hiện phải cần nhiều điều kiện bởi việc huy động vàng trong dân rủi ro rất lớn.

Đầu tiên là yếu tố giá do đây là một “ẩn số” khó lường trước, khó dự báo một cách chính xác. Tiếp theo đó là cách thức đảm bảo an toàn lượng tài sản này, bởi trong quá khứ đã có một số lãnh đạo ngân hàng bán khống một số vàng lớn, để lại hệ quả nặng nề cho hệ thống ngân hàng.

Bổ sung thêm những “nhược điểm” của chứng chỉ vàng là chi phí lớn do phải trả cho phần lãi hàng năm; khả năng sinh lời đến đâu khi Nhà nước sử dụng nguồn vàng đó để đẩy ra nền kinh tế. Cuối cùng là khả năng chịu đựng rủi ro về giá thanh khoản, do giá vàng liên tục biến động.

Cũng có ý kiến cho rằng, nếu NHNN huy động vàng để chuyển đổi sang tiền đồng và sau đó cung cấp tín dụng cho nền kinh tế thì rủi ro rất lớn nếu giá vàng thế giới tăng mạnh. Do vậy, cần cân nhắc việc phát hành chứng chỉ vàng.

Từ những thực tế này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, để thực hiện phương pháp này, NHNN cần có những chuyên gia giỏi phân tích và đưa ra dự báo về giá vàng, và cần sử dụng các công cụ bảo hiểm rủi ro do biến động của giá vàng thế giới và cần sử dụng các công cụ bảo hiểm rủi ro, do còn có biến động của giá vàng thế giới.

Ngoài ra, hệ thống ngân hàng phải luôn sẵn có nguồn vàng đáp ứng nhu cầu rút vàng của người dân khi đến hạn, hay khi có biến động thất thường

Trong dài hạn, có thể chứng khoán hóa vàng, được phép giao dịch trên thị trường mở và thị trường thứ cấp. Quan trọng là phải tạo lập được niềm tin, để người dân thật sự yên tâm khi dùng chứng chỉ vàng.

Tuệ Minh

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/phat-hanh-chung-chi-vang-co-the-tri-dau-co-tich-tru-4376.html