Đợt cải cách tiền lương ngày 1/7 được rất nhiều công chức, viên chức, người lao động mong chờ vì mức lương có thể tăng tới 30%, giúp nâng cao thu nhập và mức sống. Tuy nhiên, niềm vui này cũng kèm với nỗi lo giá cả hàng hóa sẽ “nối gót” tăng theo. Và như bao lần trước đó, “lương chưa tăng, giá hàng hóa đã tăng”, lần này cũng vậy.
Tại nhiều chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội, một số mặt hàng thiết yếu có xu hướng tăng giá trước thềm cải cách tiền lương. Như chợ dân sinh khu vực Mễ Trì Thượng (Hà Nội), giá rau củ tăng từ 2.000 - 3.000 đồng/kg. Rau cải chíp tăng từ 28.000 đồng/kg lên 30.000 đồng/kg.
Bắp cải tăng lên 16.000 đồng/kg, rau muống là 13.000 đồng/mớ, mồng tơi tăng từ 8.000 đồng lên 10.000 đồng/mớ… Trứng gà ta tăng lên 3.300 đồng/quả. Các loại cá trắm đen, cá quả có giá dao động 100.000 đồng/kg…
Một tiểu thương tại chợ Mễ Trì Thượng (Hà Nội) cho biết, một số loại rau củ tăng giá nhẹ chủ yếu là do thời tiết thất thường, mưa kèm nắng nóng nên rau không ngon, khó bảo quản. Ngoài ra, sắp tới có đợt tăng lương nên các đầu mối sỉ cũng rục rịch tăng giá. Giá nhập từ nguồn sỉ tăng nên tiểu thương ở chợ cũng phải bán nhích lên mới có lãi.
Tại khu vực phía Nam, giá nhiều mặt hàng thiếu yếu cũng có xu hướng tăng. Chị Nguyễn Thanh Loan (ngụ quận 5, TP.HCM) cho biết, giá gạo Đài thơm đã tăng 1.500 đồng/kg. Mỗi lần chị đều mua khoảng 10kg để gia đình ăn trong 2 tuần. Với mức tăng giá này, mỗi tháng gia đình chị tốn thêm 30.000 đồng tiền mua gạo.
Giá đường cát cũng tăng khoảng 5.000 - 7.000 đồng/kg so với khoảng 2 tháng trước. Chị Loan bảo, gia đình chị ít sử dụng đường nên thỉnh thoảng mới mua. Nhưng mức tăng như vậy trong thời gian ngắn cũng được coi là khá mạnh.
Ông Trần Văn Lộc, chủ một vựa gạo trên đường Trần Chánh Chiếu (quận 5, TP. HCM) cho hay, đầu tháng 6, giá gạo có một đợt tăng mạnh, đặc biệt là loại ST25. Lúc đó thương lái miền Tây chào giá tới 25.800 đồng/kg, tăng khoảng 3.000 đồng/kg so với đầu năm.
Theo ông Lộc, do sức mua yếu nên gạo bán ra chậm dẫn đến hàng dự trữ còn nhiều. Thấy giá tăng cao quá, ông không dám nhập thêm. Nguyên nhân gạo tăng giá là do vụ Đông Xuân đã qua mà lượng hàng xuất khẩu yêu cầu rất lớn dẫn đến nguồn cung gạo Đông Xuân khan hiếm. Trong khi đó, vụ Hè Thu chất lượng gạo không tốt bằng nên bán nội địa rất khó. Để bán được hàng, một số nơi trộn gạo Hè Thu và Đông Xuân vào nhau để lấy hương thơm, rồi hạ giá bán để giữ khách.
Chị Bùi Ngọc Anh (Bình Tân, TP. HCM) cho biết, chị chủ yếu đi chợ truyền thống nên mỗi loại thực phẩm, chị đều có “hàng quen”. Thế nên, chị mua hàng thường không trả tiền luôn mà gom lại một thời gian rồi tính một thể nên cũng không chú ý giá. Đến khi thấy có vẻ tốn tiền nhiều hơn, chị mới nhìn lại thì nhận ra một số mặt hàng đã âm thầm tăng giá từ lúc nào.
Theo chị Anh, chị chỉ lấy 2 cây xà lách loại thường mà tới 20.000 đồng. Chị hỏi người bán hàng thì mới biết giá 1kg đến 70.000 đồng. Dưa leo cũng có giá tới 60.000 đồng/kg, bí đao là 35.000 đồng/kg… Món cà tím nướng sẵn trước có giá 20.000 đồng nay cũng tăng thêm 5.000 đồng/phần.
Nhưng chị thấy tăng giá mạnh nhất là thịt heo. So với thời điểm trước Tết, giá thịt heo tăng khoảng 15.000 - 20.000 đồng/kg, như thịt ba rọi khoảng 140.000 đồng/kg, sườn non 175.000 đồng/kg, nạc đùi khoảng 110.000 đồng/kg… Thế nên, thời điểm này, để giảm áp lực kinh tế, chị thường chọn các loại cá, trứng hay đậu hũ. Các mặt hàng này cũng có tăng giá nhưng chỉ nhỉnh nhẹ.
Chị Đinh Thị Thắm (Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, giá cả tăng, công nhân như chị là bị ảnh hưởng nhiều nhất. Dù mớ rau, con cá tăng vài trăm đồng hay 1.000 - 2.000 đồng, nhìn thì rất ít nhưng tổng chung lại cũng tạo thành khoản chi lớn với số lương công nhân “ba cọc ba đồng” của chị.
Chị Vũ Thị Thanh Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng vô cùng lo lắng trước sự tăng giá hàng hóa, nhất là khi chị là lao động tự do, không nằm trong các đối tượng được tăng lương. Chị Thủy cho biết, gần đây, một số mặt hàng thiết yếu tại chợ đã rục rịch tăng giá. Những người được tăng lương thì không nói, nhưng những người làm nghề tự do hay công nhân không có thêm khoản thu nhập sẽ gặp khó khăn vì phải bù vào chi phí hàng hóa tăng.
Chị Thủy bộc bạch, chị mong các cơ quan Nhà nước sẽ có những biện pháp quyết liệt để kiểm tra, ngăn chặn tình trạng bão giá khi lương tăng.
Vân Thanh
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/cong-nhan-nguoi-lao-dong-tu-do-va-noi-lo-bao-gia-khi-luong-co-so-tang-4383.html