Mới đây, cử tri Hà Nội đã có phản ánh về việc nhiều nhà đất công bị bỏ hoang, trong đó có một số khu nhà, căn hộ tái định cư, tài sản công để không lâu năm đã hư hỏng, xuống cấp sau sáp nhập, sắp xếp lại tổ chức bộ máy cơ quan, đơn vị. Điều này gây lãng phí nguồn lực đất đai nên đã có đề nghị UBND TP Hà Nội tiến hành rà soát, có biện pháp khắc phục.
Số liệu của Sở Tài chính cho biết, tính đến ngày 31/12/2023, tổng số cơ sở nhà, đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị vủa thành phố quản lý, sử dụng thuộc phạm vi sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định là 6.764 cơ sở. Trong đó, 1.202 cơ sở thuộc khối sở, ban, ngành; 4.520 cơ sở thuộc khối quận, huyện, thị xã; 1.042 cơ sở thuộc khối doanh nghiệp nhà nước. Số cơ sở nhà, đất đã được phê duyệt phương án sắp xếp, xử lý là 6.018 cơ sở, chiếm tỷ lệ khoảng 90%.
Trước đó, báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội cũng cho biết, thành phố hiện có 840 cơ sở nhà, đất chuyên dùng thuộc sở hữu Nhà nước đang được cho thuê trái phép hoặc bỏ trống, tổng cộng hơn 178.000m2 nhà và 155.000m2 đất. Số này tập trung chủ yếu ở 4 quận trung tâm là Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và Đống Đa.
Thực tế, việc quản lý không hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích không chỉ gây thất thoát nguồn lực mà còn khiến bộ mặt đô thị trở nên nhếch nhác, khiến dư luận bức xúc.
Đơn cử như một số cơ quan đơn vị của tỉnh Hà Tây (cũ) nay là TP Hà Nội nằm trên đường Tô Hiệu (quận Hà Đông) đang bị bỏ hoang. Cụ thể, số 32 Tô Hiệu trước là trụ sở của Đài phát thanh và truyền hình Hà Tây, nay không được sử dụng, bỏ hoang, một số hạng mục phía bên trong đang có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng.
Trụ sở của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nằm ngay bên cạnh cũng bị bỏ hoang, không được sử dụng để làm việc, không có ai trông coi.
Tại địa chỉ 437 Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng) vốn là rạp chiếu phim Bạch Mai nổi tiếng một thời nhưng gần 20 năm nay đã ngừng chiếu và nhường chỗ cho các cơ sở kinh doanh. Hiện phía bên dưới khu vực tầng 1 được một cơ sở kinh doanh đồ ăn nhanh thuê lại, bên trên là quán kinh doanh dịch vụ bi-a. Hay như rạp chiếu phim Mê Linh (số 88 Lò Đúc) đã ngừng hoạt động từ lâu và nay cho thuê làm quán bar.
Đối với các cơ sở cơ sở nhà, đất chuyên dùng thuộc sở hữu Nhà nước đang được cho thuê trái phép hoặc bỏ trống, Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã tham mư UBND TP 2 phương án.
Một là gia hạn thuê nhà chuyên dùng cho Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội được giao quản lý, khai thác hết ngày 31/12/2024. Hai là chờ Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất là tài sản công không sử dụng vào mục đích để ở, giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý, khai thác.
UBND TP cũng đã ban hành Kế hoạch số 190 năm 2023 đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc phạm vi quản lý của thành phố. Trong đó, xác định cụ thể tiến độ thực hiện và trách nhiệm của các coq quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan.
Theo đó, TP Hà Nội phấn đấu hoàn thành phê duyệt phương án, sắp xếp lại, xử lý 100% cơ sở nhà, đất thuộc phạm vi quản lý của mình trong năm 2025.
Quang Đăng
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/doi-du-gan-7000-co-so-nha-dat-sau-sap-nhap-ha-noi-lam-gi-de-tranh-lang-phi-4393.html