Không được dạy kỹ năng xây dựng gia đình, tỷ lệ ly hôn trong giới trẻ tăng cao

Nhóm có tỷ lệ ly hôn cao nhất thuộc giới trẻ, chiếm tới 70%, trong khoảng từ đủ 18 - 30 tuổi. Họ không được dạy kỹ năng xây dựng gia đình, chỉ biết chọn giải pháp ly hôn khi biến cố xảy ra.

Cứ 4 cặp kết hôn sẽ có 1 cặp ly hôn

Theo thống kê của Viện nghiên cứu Gia đình và Giới, mỗi năm nước ta có khoảng 2 triệu lượt kết hôn và số ly hôn là 600.000 cặp, tức là cứ 4 cặp kết hôn sẽ có 1 cặp ly hôn. Riêng TP. HCM, bình quân cứ 2,7 cặp kết hôn thì có một cặp ly hôn. Trung bình mỗi tháng, TP. HCM có từ 80 - 100 vụ ly hôn tại mỗi quận, huyện.

Nhóm có tỷ lệ ly hôn cao nhất thuộc giới trẻ, chiếm tới 70%, trong khoảng từ đủ 18 - 30 tuổi. Đặc biệt, nhóm tuổi này ly hôn trong khoảng từ 1 - 5 năm chung sống là nhiều nhất, chiếm tới 60%. Thậm chí, có những trường hợp kết hôn chỉ vài tháng, hoặc vài ngày đã ly hôn. Những cuộc hôn nhân sớm nở tối tàn, thường kết thúc trong vòng 5 năm như vậy được gọi là “ly hôn xanh”. Lý do của những cuộc “ly hôn xanh” cũng muôn màu muôn vẻ.

ly-hon-2-1719229369.jpg
Tỷ lệ ly hôn trong giới trẻ cao (Ảnh: VTV)

Kiều Oanh (TP. Thủ Đức, TP. HCM) chia sẻ đã sợ kết hôn sau 2 lần ly hôn. Oanh cho biết, cô sinh ra trong gia đình khá giả. 4 năm trước, khi biết cô yêu chàng trai hơn cô 2 tuổi, quê An Giang, làm nghề bốc vác ở chợ đầu mối, bố mẹ cô quyết liệt cấm cản với lý do "khác biệt về gia cảnh, trình độ học vấn". Lúc này cô vẫn đang học lớp 12, nhưng để được lấy nhau, cô và bạn trai đã cố tình để có thai. Nhưng đứa con chưa kịp chào đời, cô phát hiện chồng ngoại tình. Người chồng cũng không giải thích, mà bỏ đi theo nhân tình.

Lúc con trai gần một tuổi, cô đi bước nữa. Người này là đồng nghiệp cùng công ty với cô. Oanh cho hay, khi chưa cưới, đối phương chăm sóc mẹ con cô rất chu đáo khiến cô động lòng. Nhưng về chung nhà được 3 tháng, mỗi lúc mâu thuẫn chồng lại lấy đứa con riêng ra xúc phạm, cho rằng vợ may mắn mới cưới được mình. Sau nhiều lần bị bạo lực tinh thần, Oanh đã đâm đơn ly hôn, mẹ con lại về nhà ngoại.

Chuyện tan vỡ không chỉ đến từ lứa tuổi non nớt mà ngay cả khi có thể coi là chín chắn trong tình yêu, có sự nghiệp, hôn nhân cũng không dễ dàng. Chị Minh Giang là một trường hợp như thế. Sau 1 năm yêu nhau, tưởng chừng đã hiểu nhau, chị quyết định đồng ý kết hôn. Nhưng sự khác biệt về suy nghĩ, lối sống khiến cuộc hôn nhân của chị không kéo dài quá 1 năm.

Minh Nguyệt (24 tuổi, Hà Nội) chưa từng nghĩ vợ chồng phải đưa nhau ra tòa chỉ sau đám cưới 1 năm bởi có cuộc tình đẹp như mơ, bao người ngưỡng mộ. Cô nhớ ngày cưới, chồng cô đã tự sáng tác nhạc, mời ca sĩ biểu diễn quy mô lớn, toàn bộ rạp cưới phủ kín hoa hồng, loài hoa cô thích nhất.

Kết hôn được 5 tháng mà chưa mang thai, Nguyệt bị gia đình chồng dè bỉu, hắt hủi khiến mỗi bữa cơm trở thành sự đày đọa về tinh thần. Thay vì động viên, chồng cô lại nhiều lần dở thói vũ phu vì cô khóc trước mặt mẹ chồng nói việc sinh đẻ không thể ép buộc. Thay vì chịu đựng, Nguyệt chọn ly hôn, tập trung làm giàu và phụng dưỡng bố mẹ.

Không được dạy kỹ năng xây dựng gia đình

Về việc ngày càng nhiều người trẻ ly hôn nhanh, tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thị Minh - giảng viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ, những người này bị tổn thương tâm lý, mất niềm tin vào hôn nhân, có thể từng sống trong gia đình không hạnh phúc. Họ không được dạy kỹ năng xây dựng gia đình, chỉ biết chọn giải pháp ly hôn khi biến cố xảy ra.

Ngày nay, nhiều người trẻ được bố mẹ cưng chiều, ủng hộ việc ly hôn nếu thấy con cái không hạnh phúc. Cùng với đó là sự phát triển của mạng xã hội khiến nhiều người coi ly hôn như xu hướng mới. Tất nhiên không thể quên nguyên nhân "truyền thống" là nhiều người không tìm hiểu rõ đối tượng kết hôn, thích là cưới, không lường trước các rủi ro.

ly-hon-1-1719229304.jpg
Nguyên nhân ly hôn trong giới trẻ có 4 nhóm chính là mâu thuẫn về quan điểm sống, ngoại tình, kinh tế và yêu xa

Ngoại tình hay khác biệt về lối sống chỉ là 2 trong số nhiều nguyên nhân được đưa ra trong những vụ ly hôn ở độ tuổi từ 18 - 30. Luật sư Lê Văn Hồi - Giám đốc Công ty Luật My Way chia sẻ, dù nhiều lý do nhưng có 4 nhóm chính là mâu thuẫn về quan điểm sống, ngoại tình, kinh tế và yêu xa.

Thống kê của Viện nghiên cứu Gia đình và Giới chỉ ra nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến khủng hoảng hôn nhân. Cụ thể, 27,7% mâu thuẫn về lối sống, 25,9% đến từ ngoại tình, kinh tế chiếm 13%, sức khỏe chiếm 2,2%, bạo lực gia đình chiếm 6,7%, và sống xa nhau chiếm 1,3%. Những khủng hoảng trên đều dẫn đến ly hôn khi không thể tìm được hướng giải quyết.

Không có mẫu số chung nào cho việc ly hôn, cũng không thể đánh giá đúng - sai, nên - không nên trong kết hôn và ly hôn, bởi nó thuộc về sự lựa chọn. Tuy nhiên, chúng ta cần phải đánh giá và cân nhắc việc ly hôn như thế nào, nếu có những khác biệt không thể giải quyết sau khi đã cố gắng hết sức.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Minh khuyên, người trẻ không nên coi nhẹ các giá trị của hôn nhân. Trước khi kết hôn, họ cần chuẩn bị kỹ năng làm cha, mẹ, học các khóa tham vấn tiền hôn nhân. Vợ chồng nên thỏa thuận trước những nguyên tắc ứng xử, quan điểm sống, tránh mâu thuẫn khi sống chung.

Du Vũ

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/nguoi-tre-ly-hon-som-vi-khong-duoc-day-ky-nang-xay-dung-gia-dinh-4401.html