Hà Nội: Doanh thu bán vé xe buýt tăng 300 tỷ đồng/năm nếu đề xuất tăng giá được thông qua

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội dự báo, khi mới tăng giá vé xe buýt, số lượng khách có thể giảm, nhưng vẫn đảm bảo doanh thu. Nếu đề xuất được thông qua, doanh thu bán vé tăng khoảng 300 tỷ đồng mỗi năm.

Mới đây, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội đã trình UBND thành phố phương án tăng giá vé xe buýt có trợ giá từ ngày 1/7/2024. Trong tờ trình, Sở GTVT đề xuất, giá vé xe buýt lượt cự ly dưới 15km tăng 7.000 đồng lên 8.000 đồng; từ 15km đến dưới 25km tăng 7.000 đồng lên 10.000 đồng; cự ly 25km đến dưới 30km tăng 8.000 đồng lên 12.000 đồng; từ 30km đến dưới 40km tăng 9.000 đồng lên 15.000 đồng và trên 40km tăng 9.000 đồng lên 20.000 đồng.

xe-buyt-2-1719375905.jpeg
Sở GTVT đề xuất tăng giá vé xe buýt từ ngày 1/7/2024 (Ảnh: Thu Hiền)

Giá vé xe buýt tháng tăng trung bình 40%. Với đối tượng được trợ giá là học sinh, sinh viên, công nhân khu công nghiệp, giá vé tháng một tuyến tăng từ 55.000 đồng lên 70.000 đồng, liên tuyến tăng 100.000 đồng lên 140.000 đồng. Vé mua theo hình thức tập thể (không ưu tiên) đi một tuyến là 100.000 đồng (hiện đang ở mức 70.000 đồng), liên tuyến là 200.000 đồng (hiện nay 140.000 đồng).

Người có công, người cao tuổi (60 tuổi trở lên), trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo tiếp tục được miễn tiền vé xe buýt. Các đối tượng khác, giá vé tháng một tuyến là 140.000 đồng (hiện 100.000 đồng), liên tuyến là 280.000 đồng (hiện 200.000 đồng).

Nếu đề xuất được thông qua, doanh thu bán vé tăng khoảng 300 tỷ đồng mỗi năm. Sở GTVT Hà Nội dự báo, khi mới tăng giá, số lượng khách có thể giảm, nhưng vẫn đảm bảo doanh thu. Năm 2014, khi điều chỉnh giá vé, hành khách đi vé tháng giảm 3% nhưng doanh thu tăng 15%, vé lượt giảm 10% nhưng doanh thu tăng 20%.

Cuối năm 2023, Sở GTVT Hà Nội từng đề xuất tăng giá xe buýt từ ngày 1/1/2024. Nhưng đến nay, thành phố vẫn chưa phê duyệt đề xuất này.

Lý do đề xuất tăng giá được Sở GTVT Hà Nội đưa ra: Từ năm 2014 đến nay, thành phố không điều chỉnh giá vé xe buýt. So với mặt bằng thu nhập người dân hiện nay, giá này đang rất thấp. Thu nhập bình quân của người dân Hà Nội năm 2022 khoảng 8,4 triệu đồng/tháng, tăng 75% so với năm 2014.

xe-buyt-1719375906.jpg
Theo Sở GTVT Hà Nội, so với mặt bằng thu nhập người dân hiện nay, giá vé xe buýt đang rất thấp (Ảnh: Đỗ Tâm)

Sở GTVT cho rằng, chi phí đi lại chiếm khoảng 10% tổng thu nhập, tương ứng mỗi người chi 800.000 đồng/tháng "là chấp nhận được". Những năm qua, các yếu tố đầu vào phục vụ cho hoạt động xe buýt như giá nhiên liệu, tiền lương… tăng cao so với trước đây. So với năm 2014, chi phí cho hoạt động vận tải công cộng đã tăng gần 50%.

Giai đoạn 2015 - 2019, thành phố đã trợ giá trung bình 1,371 tỷ đồng/năm, giai đoạn 2020 - 2022 là 2.230 tỷ đồng/năm (riêng năm 2022 trợ giá tới 2.991 tỷ đồng).

Ngân sách TP. Hà Nội miễn phí với người có công, người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo, hỗ trợ 50% giá vé tháng với học sinh, sinh viên, công nhân các khu công nghiệp và 30% giá vé tháng với cán bộ, nhân viên tại văn phòng công sở, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp mua theo hình thức tập thể.

Hiện thành phố có 153 tuyến xe buýt đang khai thác, trong đó 128 tuyến trợ giá, 9 tuyến không trợ giá, 13 tuyến buýt kế cận và 3 tuyến city tour. Số lượng hành khách sử dụng vé tháng chiếm trên 80% tổng lượng khách đi xe buýt ở Hà Nội. Thẻ vé miễn phí tăng dần số lượng theo từng năm.

Thống kê cho thấy, tỷ lệ đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách công cộng (gồm cả xe buýt và đường sắt đô thị) tại Hà Nội trong năm 2023 đạt 19,5%. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, vận tải hành khách công cộng đáp ứng 30-35% nhu cầu đi lại của người dân Hà Nội.

Vân Thanh

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/ha-noi-doanh-thu-ban-ve-xe-buyt-tang-300-ty-dongnam-neu-de-xuat-tang-gia-duoc-thong-qua-4441.html