Sáng 27/6, với sự tán thành của 388 đại biểu (chiếm 79,84%), Quốc hội đã thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trong đó, đáng chú ý có nội dung mới, lần đầu được áp dụng quy định 12 điểm/năm với mỗi giấy phép lái xe (GPLX). Hệ thống 12 điểm của GPLX được áp dụng như một công cụ để theo dõi sự tuân thủ luật lệ giao thông đường bộ của các tài xế, từ đó cập nhật vào cơ sở dữ liệu quản lý trật tự, an toàn giao thông.
Dựa vào tính chất và mức độ nghiêm trọng của lỗi vi phạm, số điểm sẽ bị trừ khác nhau. Điểm bị trừ sẽ được ghi nhận vào hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý và thông báo đến lái xe vi phạm ngay khi quyết định xử phạt có hiệu lực.
Nếu GPLX còn điểm và trong 12 tháng không bị trừ điểm nào, tài xế sẽ được phục hồi lại đủ 12 điểm vào năm sau. Trường hợp mất hết điểm trong 1 năm sẽ không được phép điều khiển xe theo loại giấy phép đã đăng ký. Sau tối thiểu 6 tháng bị trừ toàn bộ điểm, tài xế có thể tham gia khóa kiểm tra kiến thức Luật Giao thông đường bộ do cảnh sát giao thông tổ chức, nếu đạt kết quả đỗ sẽ được phục hồi lại đầy đủ điểm.
Ngoài ra, khi người dân thực hiện thủ tục đổi, cấp lại hoặc nâng hạng giấy phép lái xe, số điểm sẽ được bảo lưu từ giấy phép cũ. Các cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cũng có quyền trừ điểm từ GPLX của người vi phạm.
Bộ Công an cho biết, quy định về điểm, trừ điểm GPLX là biện pháp quản lý Nhà nước, không phải hình thức xử phạt vi phạm hành chính. Việc này vừa có tính chất răn đe vừa có tính chất giáo dục, động viên chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Mỗi lần tài xế bị trừ điểm sẽ như "tiếng chuông" cảnh báo để chấp hành pháp luật tốt hơn.
Trước đó, khi trình dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đã lý giải việc đưa ra quy định này là kết quả của quá trình nghiên cứu, tiếp thu kinh nghiệm quốc tế. Các nước tiên tiến trên thế giới như Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc... đều có quy định trừ điểm GPLX với tài xế có các hành vi vi phạm gây nguy cơ mất an toàn giao thông cao, nhằm quản lý việc chấp hành pháp luật của người điều khiển phương tiện.
Bộ Công an nhận định, ý thức tuân thủ luật của người lái xe còn nhiều hạn chế khi hiện tượng vi phạm luật lệ giao thông đường bộ đang diễn ra phổ biến. Số liệu thống kê cho thấy, mỗi năm lực lượng cảnh sát giao thông xử lý có hơn 3 triệu trường hợp vi phạm được. Mức độ tai nạn giao thông tuy đã giảm nhưng số lượng vẫn ở mức đáng báo động.
Đối với việc quy định cụ thể số điểm bị trừ cho mỗi lỗi vi phạm, Bộ Công an cho biết sẽ nghiên cứu để ban hành quy định sao cho công bằng và không chồng chéo với các hình thức xử lý khác.
Liên quan đến quy định này, chuyên gia ô tô Nguyễn Thắng Hải cho hay, ở nước ngoài đã áp dụng việc này từ rất lâu rồi. Việt Nam đã nhiều lần cân nhắc và cuối cùng cũng được thông qua, đây là một tín hiệu tích cực với tình hình giao thông nước nhà.
Theo ông, quy định này sẽ nâng cao ý thức người dân khi tham gia giao thông vì phải đối diện với nguy cơ không đủ điều kiện lái xe ra đường nếu bị trừ hết điểm trong 1 năm. Thêm việc bị phạt nguội, ông tin chắc việc trừ điểm GPLX sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực, đảm bảo an toàn giao thông, tránh hỗn loạn mạnh ai nấy đi như hiện nay.
Mỗi khi có quy định mới được áp dụng, sẽ có nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Tuy nhiên, với việc Giấy phép lái xe có 12 điểm/năm, rất nhiều người dân ủng hộ và mong sớm thực hiện.
Cấm tuyệt đối nồng độ cồn đối với tài xế
Khoản 2 Điều 9 Luật này quy định cấm: “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.
Kết quả biểu quyết tại hội trường, có 357 đại biể
u tán thành (73,46%), 69 đại biểu không tán thành (14,2%) và 22 đại biểu không biểu quyết (4,53%). Như vậy, với đa số đại biểu Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn với tài xế.
Du Vũ
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/giay-phep-lai-xe-bi-tru-het-12-diem-thi-bao-lau-moi-duoc-thi-lai-4492.html