Các nhà sản xuất chip của EU có nguy cơ mất dần thị phần ở Trung Quốc

Ủy ban châu Âu vừa có cảnh báo tới các nhà sản xuất chip của mình về việc có thể mất đi thị phần tại thị trường Trung Quốc, khi nước này đang tăng cường đầu tư vào công nghiệp bán dẫn, hướng tới khả năng tự cung tự cấp trong các công nghệ quan trọng.

Theo một báo cáo của Ủy ban châu Âu, thị phần của các nhà sản xuất chip bao gồm NXP Semiconduction NV có trụ sở ở Hà Lan, Infineon Technologis AG của Đức và Renesas Electronics Corp của Nhật Bản tại thị trường Trung Quốc đang bị đe dọa bởi các công ty bán dẫn trong nước.

Mặc dù các công ty đối thủ từ Trung Quốc không sản xuất các chất bán dẫn tiên tiến mạnh nhất của ngành (như bộ xử lý được sử dụng trong iPhone của Apple), nhưng họ lại có các bộ vi điều khiển và các chip khác thiết yếu cho các lĩnh vực chính của nền kinh tế, bao gồm ô tô, ứng dụng công nghiệp và điện tử tiêu dùng.

wafer-1719655631.jpg

Ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc đang phát triển mạnh, có khả năng đe dọa thị phần của các công ty chip châu Âu và Nhật Bản.

Theo các quan chức châu Âu, Trung Quốc đã áp dụng nhiều chính sách khác nhau nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn trong nước như áp dụng các chính sách thuế quan, chính sách pháp luật, các chương trình hỗ trợ vốn…từ đó khuyến khích các công ty MCU (vi điều khiển) của nước này phát triển, tận dụng nhu cầu của thị trường xe điện và năng lượng mới để lớn mạnh, gây bất lợi cho các nhà cung cấp chip của châu Âu và Nhật Bản.

MCU (vi điều khiển - Micro Controller Unit) về cơ bản là những mạch máy nhỏ trên một con chip, thường điểu khiển một chức năng duy nhất trong một thiết bị điện tử như kích hoạt túi khí trong ô tô hoặc điều khiển nhiệt độ nước trong máy giặt… Trung Quốc hiện đang chiếm tới 30% nhu cầu MCU trên toàn thế giới.

Chính quyền Trung Quốc cũng liên tục khuyến khích các hãng xe điện, từ BYD đến Geely Automobile tăng mạnh mua hàng từ các nhà sản xuất chip ô tô địa phương, là một phần trong chiến dịch giảm sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu của phương Tây.

Trung Quốc dự kiến chi tới 100 tỷ USD để xây dựng các nhà sản xuất chip mới phục vụ cho các mặt hàng công nghệ từ đồ gia dụng đến smartphone... Nỗ lực đầu tư này càng rõ ràng khi Mỹ tăng cường chính sách hạn chế các công ty Trung Quốc tiếp cận công nghệ tiên tiến, đặc biệt là công nghệ bán dẫn. Thay vì hướng tới các con chip hàng đầu, Trung Quốc lại đang tập trung vào các công nghệ chip cũ hơn, ít tiên tiến hơn và không nằm trong phạm vi của các lệnh cấm của Mỹ.

byd-1719655704.jpeg

Nhu cầu của ngành ô tô điện và năng lượng mới của Trung Quốc đang "ngốn" nguồn chip bán dẫn khổng lồ.

Nhóm thương mại SEMI dự báo, Trung Quốc sẽ có khoảng 41 nhà máy sản xuất chip đi vào hoạt động từ nay đến năm 2027, bao gồm 34 nhà máy sản xuất tấm wafer 300 mm và 7 nhà máy sản xuất tấm wafer 200 mm, trong đó tấm wafer lớn hơn cho phép các công ty sản xuất nhiều chip hơn. 

Cơ quan điều hành của Liên minh Châu Âu đang xem xét mức độ phổ biến mà các doanh nghiệp của họ sử dụng chip trưởng thành hoặc chip cấp thấp từ Trung Quốc. Phân tích mới nhất của họ cho thấy mối lo ngại rằng chip Trung Quốc tràn ngập thị trường một cách có hệ thống sẽ “ít có khả năng” trở thành hiện thực.

Theo các báo cáo từ nhà sản xuất thiết bị sản xuất bán dẫn ASML của Hà Lan thì nhu cầu ở Trung Quốc cao đến mức bất kỳ công suất bổ sung nào cũng sẽ được thị trường nước này hấp thụ, ít nhất là đến năm 2030. Các xưởng đúc của Trung Quốc hiện đang sản xuất chip dành riêng cho các công ty có trụ sở chính đặt tại địa phương. Công suất chip của các công ty Trung Quốc chỉ có thể giảm khi tình trạng cung vượt cầu, giá cả đua nhau hạ kèm theo sự cạnh tranh của chính các đối thủ đồng hương trên sân nhà trong tương lai.

Minh Châu

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/cac-nha-san-xuat-chip-cua-eu-co-nguy-co-mat-dan-thi-phan-o-trung-quoc-4527.html