Thêm 880ha làm sân golf
Với mục tiêu đón đầu xu thế thể thao giải trí, phát triển du lịch và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, du khách, trong Quy hoạch mới của tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050, đơn vị tư vấn lập quy hoạch đã đề xuất thêm 6 vị trí phát triển sân golf với quy mô sử dụng đất hơn 880ha.
Hiện đồ án quy hoạch đang được Đồng Nai hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. Sắp tới nếu cả 6 vị trí này được phê duyệt, từ nay tới 2030 Đồng Nai sẽ có tất cả 9 vị trí phát triển sân golf với quy mô gần 1.600ha.
Theo đó, huyện Cẩm Mỹ sẽ quy hoạch dự án 180ha tại xã Xuân Đường, huyện Thống Nhất quy hoạch dự án 174ha ở xã Bàu Hàm 2, huyện Vĩnh Cửu quy hoạch dự án 155ha tại xã Hiếu Liêm, TP. Long Khánh quy hoạch dự án 60ha ở xã Hàng Gòn.
Ông Bùi Thanh Nam - lãnh đạo Sở VH,TT&DL tỉnh Đồng Nai cho biết, trong tháng 5/2024 sở đã phối hợp với các Sở KH&ĐT, Sở TN&MT tổ chức khảo sát hiện trạng vị trí đề xuất đầu tư dự án sân golf, sự cần thiết và tính khả thi.
Qua khảo sát và làm việc, Sở VH,TT&DL tỉnh Đồng Nai thống nhất đề xuất UBND tỉnh, Sở KH&ĐT đưa vào quy hoạch của tỉnh 5 vị trí sân golf sẽ thực hiện trong giai đoạn 2024 – 2030, sau năm 2030 sẽ thực hiện 1 vị trí sân golf 212ha tại xã Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc).
Theo đơn vị tư vấn lập quy hoạch – Công ty TNHH Roland Berger, Đồng Nai hiện đang dẫn đầu cả nước về số lượng khu công nghiệp. Trong tương lai khi sân bay quốc tế Long Thành đi vào hoạt động, sẽ có nhiều dự án khu đô thị, khu dịch vụ xuất hiện, đồng thời thu hút thêm lao động, các chuyên gia, kỹ sư trong ngoài nước đến sinh sống và làm việc. Do đó việc quy hoạch sân golf kết hợp với thương mại dịch vụ, du lịch là hoàn toàn phù hợp. Vì vậy đơn vị tư vấn mong muốn Hội đồng quy hoạch tỉnh Đồng Nai cân nhắc, đồng tình với đề xuất đã đưa ra.
Hiện nay, Đồng Nai có 3 sân golf với tổng quy mô gần 700ha. Đây đều là những dự án sân golf kết hợp nhà ở thương mại, khu dịch vụ cao cấp, được đầu tư bởi các doanh nghiệp. Các sân golf này không chỉ thu hút khách trong và ngoài tỉnh, mà còn thu hút nhiều du khách, chuyên gia nước ngoài đến du lịch, nghỉ dưỡng, chơi thể thao… Điều này đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Một trong những sân golf lớn và hiện đại nhất Đồng Nai cũng như cả nước phải kể đến sân golf Long Thành rộng 350ha (TP. Biên Hòa). Đứng thứ 2 ở tỉnh này là sân golf Đồng Nai 260ha ở huyện Trảng Bom, ngoài là khu chơi thể thao thì nơi đây còn có nhà ở, nhà hàng, khu dịch vụ cao cấp. Cuối cùng là sân golf Đại Phước rộng 84ha, sân golf này còn có tên gọi khác là Taekwang Jeongsan Country Club nằm ở huyện Nhơn Trạch.
Đánh giá kỹ tác động của dự án đối với nguồn nước, tài nguyên rừng
Với 6 vị trí đề xuất làm sân golf, mặc dù cơ bản đã đồng ý nhưng Sở VH,TT&DL tỉnh vẫn có lưu ý đối với một số sân golf gần nguồn nước và khu xử lý chất thải.
Cụ thể như vị trí sân golf 60ha tại TP. Long Khánh tiếp giáp với hồ Cầu Dầu. Vị trí này hiện đang khai thác nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dự trữ nước sinh hoạt cho TP. Long Khánh.
Vị trí dự định phát triển sân golf 155ha tại huyện Vĩnh Cửu tiếp giáp với hồ Trị An – đầu nguồn sông Đồng Nai đang khai thác cấp nước sinh hoạt cho hàng chục triệu người dân ở Đồng Nai, Bình Dương, TP. HCM. Trong khi đó vị trí sân golf 174ha ở huyện Thống Nhất đang gần với khu xử lý chất thải của xã Quang Trung.
Từ đó, Sở VH,TT&DL kiến nghị khi dự án được chấp thuận đưa vào quy hoạch thì quá trình triển khai thực hiện phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường cũng như đảm bảo không ảnh hưởng tới nguồn nước. Bên cạnh đó để tạo sự đồng bộ, các địa phương cũng cần rà soát, điều chỉnh hoặc đề xuất điều chỉnh các quy hoạch đã được phê duyệt.
Về vấn đề quỹ đất sân golf trong phương án bổ sung khoanh vùng đất đai, ông Võ Tấn Đức - Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã đã giao Sở VH,TT&DL chủ trì đánh giá nhu cầu phát triển sân golf của tỉnh, tham mưu UBND tỉnh báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Ông Võ Tấn Đức cũng thống nhất bổ sung quy hoạch sân golf tới năm 2030 tại 2 vị trí thuộc Dự án Khu dân cư, thể dục thể thao, nghỉ dưỡng phía Tây Bắc núi Chứa Chan diện tích 100ha thuộc huyện Xuân Lộc; Dự án Sân golf 180ha ở huyện huyện Cẩm Mỹ. Với 4 vị trí còn lại, ông Đức lưu ý cần đánh giá kỹ các yếu tố như sự cần thiết, tính khả thi của dự án cũng như tác động của dự án đối với môi trường, nhất là nguồn nước và tài nguyên rừng.
Theo tìm hiểu, tới tháng 4/2022 Việt Nam đã đưa vào hoạt động 80 sân golf 18 hố, dự kiến tới năm 2025 sẽ có 200 sân golf 18 hố đi vào hoạt động. Theo ông Nguyễn Lê Phúc - Phó cục trưởng Cục Du lịch quốc gia, nước ta có bờ biển dài hơn 3.260km, địa hình đa dạng 3/4 đồi núi và cao nguyên, với những lợi thế này, Việt Nam hoàn toàn phát triển du lịch golf, theo tiềm năng để trở thành “Thiên đường golf của Châu Á”.
Biên Thùy
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/don-dau-xu-the-the-thao-giai-tri-dong-nai-danh-dat-lam-6-san-golf-4561.html