Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư số 11/2024/TT-NHNN ngày 28/6/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 16 quy định việc các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 12/8/2024.
Thiết lập “luật chơi”
Thông tư 11 đã bổ sung quy định đáng chú ý, doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải gửi cho tổ chức tín dụng thông tin về người có liên quan (tổ chức, cá nhân có quan hệ với doanh nghiệp) trước thời điểm tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).
Đối với người liên quan là cá nhân, những thông tin bao gồm: họ và tên, số định danh; với người nước ngoài là quốc tịch, số hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp; mối quan hệ với doanh nghiệp phát hành. Còn người liên quan là tổ chức sẽ bao gồm: tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính, số giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ pháp lý tương đương, người đại diện pháp luật và mối quan hệ với đơn vị phát hành.
Bên cạnh đó, Thông tư 11 cũng sửa đổi, bổ sung quy định, tổng số dư mua TPDN gồm cả trái phiếu doanh doanh nghiệp và người có liên quan phát hành được tính vào tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng vừa có hiệu lực (1/7/2024).
Cụ thể, luật quy định, tỷ lệ tối đa cấp tín dụng/vốn tự có với 1 khách hàng sẽ giảm dần từ 15% về 10%; tỷ lệ tối đa với một khách hàng và người có liên quan sẽ giảm dần từ 25% xuống 1%. Lộ trình điều chỉnh cả 2 mức này đều trong 5 năm (đến năm 2029).
Ngoài ra, Thông tư cũng quy định trách nhiệm của tổ chức tín dụng khi thực hiện mua TPDN phải theo dõi, giám sát việc sử dụng tiền thu từ phát hành TPDN. Nếu phát hiện doanh nghiệp phát hành sử dụng không đúng mục đích nguồn tiền, các tổ chức tín dụng được yêu cầu doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn. Trường hợp không mua lại trái phiếu trước hạn theo đúng cam kết thì tổ chức tín dụng thực hiện xử lý, thu hồi tiền gốc, lãi trái phiếu theo quy định của pháp luật.
Cùng với đó, tổ chức tín dụng có thể mua lại TPDN ngay sau khi bán nếu đảm bảo các điều kiện đi kèm. Đặc biệt, các tổ chức tín dụng không được thanh toán tiền mặt khi mua, bán TPDN.
Các chủ thể khó lơ là
Ngay từ hồi đầu năm 2024, thị trường TPDN đã được dự báo sẽ vận hành một khung pháp lý rất hoàn thiện và chặt chẽ, đòi hỏi các chủ thể tham gia phải tuân theo “luật chơi” tiến tới thay đổi chất lượng sản phẩm.
Trước đó, trong một lần trả lời phỏng vấn với báo chí, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan, tiếp tục triển khai các giải pháp để ổn định và phát triển thị trường TPDN công khai, minh bạch, an toàn bền vững nhằm khơi thông nguồn vốn trung và dài hạn cho đầu tư, phát triển.
Bên cạnh các biện pháp từ cơ quan quản lý, để phát triển bền vững của thị trường còn phụ thuộc vào nhận thức và ý thức tuân thủ “luật chơi” của các chủ thể tham gia thị trường. Theo đó, phải bố trí mọi nguồn lực để thanh toán gốc lãi đến hạn theo đúng cam kết; tự thay đổi, chủ động xếp hạng tín nhiệm và thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, tăng cường công khai minh bạch…để lấy lại niềm tin của thị trường và nhà đầu tư.
Báo cáo nghiên cứu về thị trường trái phiếu của MBS Research cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị TPDN đã phát hành đạt 93.800 tỉ đồng, tăng 165% so với cùng kỳ; chủ yếu tập trung ở nhóm ngân hàng với tỷ trong 57%, tăng 147% so với cùng kỳ; nhóm doanh nghiệp bất động sản chiếm tỷ trọng 27%, giảm 23,1% so với 6 tháng đầu năm 2023.
Tuy nhiên, bất động sản lại là nhóm phát hành trái phiếu có lãi suất cao nhất, dao động trong khoảng từ 11 - 12,5%/năm, cao hơn đáng kể so với mức 4,7 - 7,4%/năm của các ngân hàng.
Nguyên nhân của việc trái phiếu bất động sản chững lại, giới chuyên gia cho rằng, do thị trường chung vẫn chưa khởi sắc, khả năng trả nợ vẫn ở mức yếu khiến nhiều doanh nghiệp phải giảm bớt các kế hoạch huy động vốn qua kênh trái phiếu.
Tuy nhiên, báo cáo triển vọng tăng trưởng tín dụng và TPDN của Fiin Ratings cho biết, nhu cầu tín dụng nói chung và phát hành TPDN nói riêng sẽ có sự cải thiện đáng kể trong thời gian nửa cuối năm 2024 nhằm giúp tăng trưởng tín dụng hoàn thành mục tiêu 14-15%.
“Các ngân hàng vẫn là nhà đầu tư chính của TPDN, nên pháp lý và chính sách sẽ ngày càng hoàn thiện, việc đa dạng hóa hình thức cấp vốn cho các doanh nghiệp bởi ngân hàng cũng sẽ làm tiền đề cho sự tiếp tục hồi phục của trái phiếu”, các chuyên gia của FiinRatings cho biết.
Tuệ Minh
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/nhieu-quy-dinh-quan-trong-trong-viec-cac-ngan-hang-mua-ban-trai-phieu-doanh-nghiep-duoc-thay-doi-4579.html