UBND TP. Hà Nội vừa phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu thực hiện Dự án Xây dựng tuyến đường Tây Thăng Long (đoạn từ đường Vành đai 3,5 đến đường kênh Đan Hoài), đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Với tổng chiều dài 5,8 km và tổng mức đầu tư 1.298,596 tỷ đồng, tuyến đường được kỳ vọng sẽ trở thành "xương sống" giao thông, kết nối khu vực Tây Bắc Hà Nội với trung tâm thành phố, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của Đan Phượng nói riêng và khu vực lân cận nói chung. Tuyến đường được thiết kế với quy mô 6 - 10 làn xe, mặt đường rộng từ 40 đến 60,5 m, đảm bảo lưu thông an toàn, thuận tiện cho các phương tiện giao thông.
Theo cập nhật mới nhất, trong quý I năm 2024, các gói thầu thi công đầu tiên sẽ được triển khai, đánh dấu khởi đầu cho giai đoạn thi công xây dựng: Tư vấn khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công - dự toán tiêu tốn 13,402 tỷ đồng; Rà phá bom mìn, vật nổ dự toán 1,587 tỷ đồng; Đo đạc bản đồ địa chính dự tính chi phí 1,1 tỷ đồng. Tiếp theo, trong quý III năm 2024, gói thầu số 07 thi công xây dựng công trình sẽ được mời thầu, tổng giá trị lên đến 873,739 tỷ đồng.
Với tổng chiều dài 33km, trải dài từ đường Võ Chí Công (quận Tây Hồ) đến thị xã Sơn Tây, đường Tây Thăng Long được quy hoạch thành tuyến đường đô thị hướng tâm hiện đại, sở hữu 10 làn xe rộng rãi (60,5m). Dự án được chia thành nhiều giai đoạn thi công, trong đó đoạn từ đường Vành đai 3,5 đến đường kênh Đan Hoài đang được triển khai khẩn trương. Dự kiến hoàn thành vào năm 2025, tuyến đường này sẽ mở ra "cánh cửa" kết nối khu vực trung tâm thành phố với các huyện Đan Phượng, Hoài Đức, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư và du lịch cho khu vực.
Hiện tại, hai đoạn đầu tiên của tuyến đường đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đoạn 1 dài 2,1km, bắt đầu từ đường Võ Chí Công đến Phạm Văn Đồng, được thông xe vào năm 2018. Đoạn 3 dài khoảng 3km, từ đường Văn Tiến Dũng đến Tây Tựu, Thượng Cát hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 2022. Đoạn 2 của tuyến đường Tây Thăng Long dài 3,2km từ Phạm Văn Đồng đến đường Văn Tiến Dũng, đang được gấp rút thi công với mục tiêu hoàn thành trong năm 2024. Việc hoàn thành đoạn 2 sẽ góp phần thông đường toàn tuyến đoạn 1. Hai đoạn còn lại của tuyến đường Tây Thăng Long, đoạn 4 từ Tây Tựu đến đường Vành đai 4 và đoạn 5 từ Vành đai 4 đến thị xã Sơn Tây hiện đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.
Theo đánh giá của các chuyên gia, tuyến đường Tây Thăng Long không chỉ mang ý nghĩa về giao thông mà còn là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực phía Tây Hà Nội, đặc biệt là huyện Đan Phượng. Nhờ hạ tầng giao thông được cải thiện, khu vực này sẽ thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư, tạo điều kiện cho các ngành công nghiệp, dịch vụ phát triển, góp phần nâng cao đời sống cho người dân địa phương.
Hơn nữa, tuyến đường Tây Thăng Long còn góp phần khai thác tiềm năng du lịch của khu vực phía Tây Hà Nội, nơi có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Làng cổ Đường Lâm, Khu di tích lịch sử Sơn Tây,... Du khách từ các nơi trong và ngoài nước sẽ dễ dàng di chuyển đến đây hơn, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch địa phương.
Dọc theo trục đường Tây Thăng Long - đại lộ huyết mạch kết nối trung tâm Thủ đô với khu vực phía Tây, những "ông lớn" trong ngành bất động sản đang dần hội tụ, biến nơi đây thành tâm điểm đầu tư mới đầy tiềm năng. Từ phía đầu tuyến giáp với khu Ngoại Giao Đoàn, những cái tên đình đám như Công ty TNHH phát triển THT với dự án Starlake, Taseco (đầu tư dự án thành phần ở khu Ngoại Giao Đoàn và Starlake), Tổng công ty xây dựng Hà Nội - CTCP với khu Ngoại Giao Đoàn, VAD (đầu tư dự án Embassy Garden)... đã khẳng định vị thế và sức hút của khu vực. Tiếp tục xuôi về phía Đan Phượng, Sunshine Group với dự án Noble Capital Thăng Long Đan Phượng hay OSI Holdings - đơn vị phát triển dự án Avenue Garden - Tây Thăng Long cũng đang cho thấy tiềm lực và tham vọng của mình.
Dự án nâng cấp Tây Thăng Long dự kiến hoàn thành vào năm 2025, hứa hẹn sẽ giảm tải áp lực giao thông cho khu vực phía Tây thủ đô, đồng thời kết nối khu vực này với các trung tâm kinh tế, văn hóa của thành phố một cách nhanh chóng và thuận tiện hơn. Nhờ những lợi thế về hạ tầng, giá trị bất động sản dọc tuyến Tây Thăng Long được dự đoán sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, biến nơi đây thành điểm nóng thu hút giới đầu tư.
Ngân Hoàng