Khảo sát của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho thấy, chất lượng không khí ở Hà Nội có sự khác biệt giữa mùa khô và mùa mưa. Vào mùa khô (từ tháng 5 đến tháng 9 hàng năm), chỉ số chất lượng không khí (AQI) dao động ở ngưỡng từ 101 (mức kém) đến dưới 200 (mức xấu), một số ngày vượt ngưỡng 200 (mức rất xấu), gây hại cho sức khỏe. Còn mùa mưa, chỉ số AQI cải thiện theo hướng tốt hơn.
Trong các nguồn gây ra tình trạng ô nhiễm tại Hà Nội có phần lớn đến từ phương tiện giao thông. Hiện nay, thành phố đang có khoảng hơn 6 triệu xe máy và gần 800 nghìn ô tô. Thực tế, số lượng phương tiện cá nhân tại Hà Nội vẫn liên tục tăng. Mỗi năm, thành phố có thêm khoảng 390 nghìn phương tiện, tương đương 1 tháng tăng khoảng 32.500 xe và 1 ngày tăng gần 1.100 phương tiện các loại.
Theo đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường Sở Tài nguyên và Môi trường, có thể kiểm soát phát khí thải ô tô thông qua đăng kiểm, còn hơn 6 triệu xe máy hiện chưa có hành lang pháp lý để quản lý lượng khí thải. Đơn vị đã phối hợp Sở Giao thông Vận tải xây dựng thí điểm kiểm soát khí thải do xe máy cũ sử dụng 5 năm trở lên.
Kiểm tra ngẫu nhiên 5.240 xe có tuổi đời trên 5 năm cho thấy, 45,8% đạt tiêu chuẩn ở lần đo thứ nhất, còn lại hơn 54,2% xe không đạt. Sau khi được bảo dưỡng, làm sạch lọc gió, xe được đo lại lần 2 thì số lượng đạt tiêu chuẩn khí thải cao hơn. Tổng các xe đo 2 lần đạt tiêu chuẩn khí thải là 90,46%.
Kết quả này cho thấy, nếu các xe máy tham gia giao thông có quy trình kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ thì sẽ bảo đảm tiêu chuẩn khí thải. Do đó, cần tăng cường tuyên truyền nhận thức người dân về thực hiện bảo dưỡng xe thường xuyên, định kỳ sẽ giảm phát khí thải ô nhiễm, mang lại hiệu quả bảo vệ môi trường tốt hơn.
Tới đây, khi Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua có hiệu lực, tình trạng phát khí thải từ phương tiện giao thông sẽ được cải thiện. Theo đó, Luật Thủ đô (sửa đổi) cho phép HĐND TP. Hà Nội quy định các biện pháp hạn chế sử dụng phương tiện giao thông phát thải gây ô nhiễm môi trường.
Cụ thể, Điều 28 của luật quy định HĐND TP. Hà Nội có trách nhiệm quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp; quyết định phạm vi vùng phát thải thấp và các biện pháp được áp dụng trong vùng theo lộ trình phù hợp.
HĐND được quyết định chính sách hỗ trợ cá nhân, tổ chức thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch, quy định các biện pháp hạn chế phương tiện giao thông phát thải gây ô nhiễm môi trường và hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng giao thông sử dụng năng lượng sạch.
Ngoài ra, luật cũng cho phép HĐND TP. Hà Nội quy định chính sách phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn; khuyến khích đầu tư xây dựng, khai thác xe buýt, đường sắt đô thị, nhà ga, bến xe, bãi đỗ xe ô tô và sử dụng các phương tiện giao thông phát thải thấp; hạn chế phương tiện giao thông cá nhân vào khu vực trung tâm để giảm phát thải, giảm ùn tắc giao thông; áp dụng phí giảm ùn tắc giao thông.
Phúc Hưng
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/ha-noi-nang-cao-chat-luong-khong-khi-khi-duoc-quan-ly-luong-khi-thai-phuong-tien-4606.html