Dự án lớn nhưng chỉ thu hút 1 đơn vị quan tâm
Mới đây, Sở KH&ĐT tỉnh Thái Bình đã mở hồ sơ và công bố danh sách các đơn vị tham gia dự thầu dự án phát triển nhà ở Khu đô thị mới Kiến Giang (TP. Thái Bình). Theo đó, chỉ có 1 đơn vị duy nhất quan tâm tới dự án là liên danh 4 doanh nghiệp gồm: Công ty TNHH Daewoo Engineering & Construction Việt Nam - Công ty TNHH Phát triển THT - Công ty TNHH GIP Land - Công ty TNHH ZUP Invest.
Khu đô thị mới Kiến Giang có tổng diện tích hơn 96ha thuộc địa phận các phường Trần Lãm, Kỳ Bá, Quang Trung và xã Vũ Chính, Vũ Phúc (TP. Thái Bình). Dự án phát triển theo mô hình khu đô thị mới, đồng bộ hạ tầng – xã hội, dự kiến sẽ cung cấp nhà ở cho khoảng 18.600 cư dân.
Khu đô thị dự kiến sẽ cung cấp cho thị trường hơn 1.402 căn nhà ở riêng lẻ được xây thô hoàn thiện mặt ngoài (bao gồm 858 căn nhà ở liền kề, 544 nhà ở biệt thự), 5 khu chung cư cao 25 tầng, NOXH cao 15 tầng. Bên cạnh đó, dự án còn dành khoảng 48.000m2 đất cho công trình thương mại – dịch vụ.
Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 9.300 tỷ đồng, trong đó hơn 417 tỷ đồng là chi phí giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Hiện trạng đất chủ yếu là đất nông nghiệp, thủy lợi, mặt nước, giao thông và một phần đất ở chưa được giải phóng mặt bằng.
Trước đó vào tháng 1/2017 dự án đã được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và điều chỉnh vào tháng 4/2024. Dự án có thời gian thực hiện trong vòng 96 tháng kể từ ngày nhà đầu tư được giao đất, trong đó dự kiến xây dựng hạ tầng kỹ thuật khoảng 36 tháng.
Mục tiêu của dự án là thực hiện Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2030; kế hoạch sử dụng đất, kế hoạch phát triển nhà ở hàng năm của tỉnh; góp phần phát triển không gian đô thị, nâng cao tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn TP. Thái Bình nói riêng và tỉnh Thái Bình nói chung; cải thiện cảnh quan môi trường đô thị; tạo quỹ nhà ở phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn TP. Thái Bình; tạo nguồn thu cho ngân sách; hình thành khu đô thị mới đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, điểm nhấn kiến trúc của TP. Thái Bình.
"Ông lớn" Hàn Quốc mong muốn được thực hiện dự án
Về liên danh đơn vị đăng ký thực hiện dự án. Nổi bật nhất trong 4 doanh nghiệp này phải kể đến Công ty TNHH Daewoo Engineering & Construction Việt Nam (DECVN). Theo tìm hiểu, DECVN được thành lập vào tháng 01/2017 có trụ sở tại Hà Nội với vốn điều lệ 1 triệu USD thuộc sở hữu của Deawoo Engineering & Construction Co.,Ltd (trụ sở Hàn Quốc). Hoạt động kinh doanh chính DECVN là xây dựng nhà các loại. Hiện nay Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của công ty là ông Kwon Soon Jae (người Hàn Quốc).
Góp mặt trong liên danh này còn có Công ty THHH Phát triển THT với 100% vốn thuộc quyền sở hữu của Daewoo E&C. Doanh nghiệp này được biết đến là chủ đầu tư dự án Khu đô thị Tây Hồ Tây (tên thương mại Starlake) quy mô hơn 186ha tại Hà Nội. THT có vốn điều lệ gần 4.566 tỷ đồng, Tổng giám đốc kiêm đại diện pháp luật của công ty là ông An Kuk Jin (người Hàn Quốc).
Được biết Daewoo E&C thành lập từ năm 1973, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản và hiện đã phủ sóng tại 50 quốc gia. Năm 2023, doanh thu của công ty đạt trên 8,4 tỷ USD, lợi nhuận thuần đạt 378 triệu USD. Trước khi Việt Nam và Hàn Quốc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao thì Daewoo E&C đã thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam vào tháng 6/1991 và trở thành công ty xây dựng đầu tiên của Hàn Quốc đặt dấu chân ở nước ta.
Trong cuộc gặp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vào ngày 3/7, lãnh đạo tập đoàn Daewoo E&C bày tỏ mong muốn tham gia đầu tư xây dựng dự án trong các lĩnh vực năng lượng, nhà máy điện, khu công nghiệp và hạ tầng tại Việt Nam. Trong đó có kế hoạch phát triển dự án xây dựng khu đô thị mới Kiến Giang tại Thái Bình.
Ngày 9/7 vừa qua, tại cuộc gặp Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, lãnh đạo tập đoàn Daewoo E&C tiếp tục bày tỏ mong muốn các cơ quan bộ, ngành của Việt Nam hỗ trợ họ triển khai khu đô thị tại Thái Bình. Ngoài ra lãnh đạo doanh nghiệp cho biết đang có kế hoạch thực hiện các dự án dành cho người thu nhập thấp tại Việt Nam, ý tưởng này được Phó Thủ tướng ủng hộ và đánh giá cao.
Trong liên danh đăng ký thực hiện dự án còn có 2 doanh nghiệp non trẻ là GIP Land và ZUP Invest. Cả 2 đều mới được thành lập gần đây, trụ sở tại tỉnh Thái Bình. Công ty TNHH ZUP Invest được thành lập cách đây hơn 1 tháng vào ngày 6/6, vốn điều lệ 250 tỷ đồng, ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản.
Công ty TNHH GIP Land mới thành lập vào ngày 8/6 với vốn điều lệ 494 tỷ đồng, trụ sở tại huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình), hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Được biết, nắm giữ 99,8% cổ phần tại GIP Land là Công ty CP Green I-Park, còn lại 0,2% thuộc sở hữu của ông Nguyễn Trần Phong và Đoàn Đức Thắng (mỗi người nắm 0,1%). Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật của công ty là ông Bùi Thế Long.
Hiện nay, ông Long còn là Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật của Green I-Park. Trước đây doanh nghiệp này là công ty con gián tiếp của Tập đoàn Đất Xanh và cũng là chủ đầu tư của khu công nghiệp Liên Thái Hà đã thu hút được số vốn FDI 1,3 tỷ USD.
Với mục tiêu trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh vào năm 2025, TP. Thái Bình đang liên tục đẩy mạnh đô thị hóa. Một trong những trụ cột tăng trưởng của địa phương là lập quy hoạch các khu đô thị mới với cảnh quan kiến trúc xanh, hiện đại.
Thời gian qua, nhiều nhà đầu tư lớn đã “đổ bộ” và Thái Bình để phát triển các dự án nhà ở, khu công nghiệp như VSIP, Eurowindow Holdings. Cuối năm ngoái, loạt doanh nghiệp địa ốc cũng đẩy mạnh triển khai dự án, đón sóng đầu tư FDI vào Thái Bình.
Hà Lan
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/ong-lon-han-quoc-dewoo-tha-thiet-muon-lam-khu-do-thi-96ha-tai-que-lua-thai-binh-4827.html