Tái cấu trúc nợ vẫn là tâm điểm của các doanh nghiệp bất động sản

Nhắm giảm bớt gánh nặng tài chính, tái cấu trúc nợ, trong thời gian gần đây các doanh nghiệp bất động sản đã liên tục đẩy mạnh hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn. Giới phân tích cho rằng, đây vẫn sẽ là tâm điểm hoạt động trong nửa cuối năm của nhóm này.

Tích cực mua lại trái phiếu trước hạn

Điển hình, Công ty CP Toàn Hải Vẫn vừa mua lại trước hạn 5 mã trái phiếu với tổng giá trị 80 tỉ đồng. Các mã trái phiếu này được phát hành vào giai đoạn 2021-2022, thời gian đáo hạn vào 30/6/2029, có tổng giá trị là hơn 800 tỉ đồng. Sau khi mua lại trước hạn, giá trị còn lại của cả 5 lô trái phiếu này là 720 tỉ đồng.

Hoạt động mua lại trái phiếu của Toàn Hải Vân diễn ra trong bối cảnh, tính đến ngày 31/12/2023, nợ phải trả của doanh nghiệp ở mức 7.852 tỉ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ, gấp 3,4 lần vốn chru sở hữu (2.296 tỉ đồng); dư nợ trái phiếu ghi nhận 803 tỉ đồng.

Tương tự, từ đầu năm 2024 đến nay, Công ty CP North Star Holdings đã có 17 đợt mua lại trước hạn đối với lô trái phiếu NSTCH2324001. Lô trái phiếu này được phát hành ngày 14/4/2023 và đáo hạn vào 14/8/2024, lãi suất lên đến 14%/năm, tổng giá trị phát hành đạt 671 tỉ đồng.

13abaf075282f0dca993-1720766125.jpg
Saigon Glory đã có 79 đợt mua lại trái phiếu trước hạn nhưng giá trị mua lại mới được 500 tỉ đồng trên tổng số lượng 10.000 tỉ đồng phát hành

Sau 17 đợt, công ty đã mua lại tổng cộng 425,3 tỉ đồng giá trị trái phiếu trước hạn. Trước đó, năm 2023, North Star Holdings cũng mua lại 5,7 tỉ đồng mã trái phiếu này. Giá trị trái phiếu còn lại sau 19 đợt mua lại trước hạn là 239,9 tỉ đồng.

Đáng chú ý nhất trong hoạt động mua lại trước hạn phải kể đến Công ty TNHH Saigon Glory đã có 79 đợt công bố mua lại 10 lô trái phiếu trước hạn từ đầu năm đến nay, với tổng giá trị khoảng 500 tỉ đồng.

Những lô trái phiếu này đều được phát hành trong năm 2020, thời gian đáo hạn vào các năm 2025-2026. Giá trị phát hành mỗi lô là 1.000 tỉ đồng. Sau các đợt mua lại, tính đến ngày 1/7 tổng giá trị còn lại của 10 lô trái phiếu này là 9.500 tỉ đồng.

Động thái liên tiếp mua lại trái phiếu trước hạn của Saigon Glory diễn ra trong bối cảnh bức tranh tài chính năm 2023 của công ty lại đang ghi nhận nhiều yếu tố kém tích cực. Tính đến ngày 31/12/2023, công ty ghi nhận khoản lỗ 152 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 290 tỉ đồng.

Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của công ty ở mức gần 4 lần, tương ứng nợ phải trả của doanh nghiệp ở mức 27.321 tỉ đồng, tăng 4,6% so với năm 2022; dư nợ trái phiếu ghi nhận 9.997 tỉ đồng, hệ số nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu ở mức 1,46 lần.

Tái cấu trúc nợ vẫn là tâm điểm

Theo dữ liệu tổng hợp của HNX và SSC, trong tháng 6 vừa qua, các doanh nghiệp đã mua lại tổng cộng 13. 336 tỉ đồng trái phiếu trước hạn, giảm 68% so với cùng kỳ năm 2023. Bên cạnh hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn, hoạt động phát hành trái phiếu cũng sôi động trở lại.

Tính đến ngày 30/6/2024 có 102 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 104.109 tỷ đồng và 10 đợt phát hành ra công chúng trị giá 11.378 tỷ đồng. Trong số phát hành mới này, chủ yếu đến từ các tổ chức tín dụng, nhóm doanh nghiệp bất động sản chỉ quay trở lại trong tuần cuối tháng 6 với 5 doanh nghiệp phát hành thành công với tổng giá trị 5.000 tỉ đồng.

Trước đó, trong năm 2023 và nửa đầu năm 2024, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản gần như “vắng bóng” trên thị trường.

hat-hanh-trai-phieu-1720760261.jpeg
Tái cấu trúc nợ vẫn là tâm điểm trong hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản

Mặc dù hoạt động phát hành đã “ấm” trở lại nhưng tâm điểm của nhóm trái phiếu bất động sản vẫn là tái cấu trúc nợ. Mới đây, Novaland vừa công bố thông tin cho biết đã hoàn tất thỏa thuận tái cấu trúc gói trái phiếu chuyển đổi trị giá gần 299 triệu đô la Mỹ (khoảng 7.500 tỉ đồng) với lãi suất 5,25% (đáo hạn năm 2026) được quyền chuyển đổi thành cổ phần phổ thông.

Số liệu của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết, trong nửa cuối năm 2024, ước tính sẽ có khoảng gần 140.000 tủ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó phần lớn là bất động sản với 58.782 tỉ đồng, tương đương 42%. Hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn có tích cực nhưng vẫn giảm mạnh so với cùng kỳ 2023.

Nhìn chung, nhiều doanh nghiệp trong thời gian qua xin trái chủ giãn, hoãn thời gian thanh toán, giảm giá trị nợ nhằm giảm áp lực thanh toán đến hạn.

Theo báo cáo tháng 6 của VISRatings, tỷ lệ trái phiếu chậm trả toàn thị trường cuối tháng 5/2024 ở mức 16,1%, tăng 1% so với cuối năm 2023. Khoảng 65% lượng trái phiếu chậm trả gốc, lãi đến từ nhóm ngành bấtt động sản dân cư (tỷ lệ trả chậm lên đến 31%).

Dù vậy,  VISRatings cho rằng, hoạt động phát hành mới trong nửa cuối năm 2024 dự báo sẽ tiếp tục tăng lên do nhu cầu đầu tư trung và dài hạn được kỳ vọng tăng dần, thị trường vốn sẽ nóng trở lại để đáp ứng được nhu cầu, bao gồm cả các tổ chức tín dụng vốn được xem là những “tay chơi” chủ lực trên thị trường hiện nay.
 

Tuệ Minh

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/tai-cau-truc-no-van-la-tam-diem-cua-cac-doanh-nghiep-bat-dong-san-4855.html