Hãng mỹ phẩm khổng lồ của Hàn Quốc là AmorePacific đã đi vào vận hành một phòng thí nghiệm làm đẹp bằng trí tuệ nhân tạo, nơi họ có những robot pha trộn các sản phẩm chăm sóc da mặt với công nghệ mới nhất để phù hợp với từng đối tượng khách hàng. Để được phục vụ tại đây, khách hàng buộc phải đặt chỗ trước.
Kwon You-Jin, một khách hàng 32 tuổi tham gia sử dụng dịch vụ mỹ phẩm chăm sóc da theo yêu cầu của công ty cho biết: “Mỗi người có một tông màu da riêng, nhưng họ thường mua loại màu phổ biến nhất có bán sẵn mà không cần toa bác sĩ. Để biết thêm dữ liệu về làn da của chính mình và tận mắt chứng kiến sự thay đổi trước và sau là một trải nghiệm rất tuyệt vời".
Cũng giống như You-Jin, nhiều chị em phụ nữ khác cũng chia sẻ sự hài lòng sau khi nhận được các báo cáo do AI tạo ra liên quan đến tình trạng da của bản thân.
Sau khi nhận được những thông số cụ thể, AI sẽ đưa ra đề xuất và các robot pha trộn sẽ tạo ra loại kem nền phù hợp hoàn hảo với tông màu da của khách hàng.
AmorePacific cho biết họ sử dụng AI để đề xuất những lựa chọn tốt nhất cho khách hàng từ 205 loại kem nền da khác nhau hoặc 366 màu son khác nhau.
"Chúng tôi đã sử dụng các kỹ thuật học máy sâu để đưa quy trình đánh giá dữ liệu làn da cá nhân vốn phải được thực hiện cẩn thận từ các chuyên gia trở thành một dịch vụ tự động", kỹ sư Lee Young-jin, cố vấn cho doanh nghiệp làm đẹp tùy chỉnh của AmorePacific cho biết.
Không chỉ AmorePacific, ngày càng có nhiều thương hiệu mỹ phẩm lớn tại nước này áp dụng AI để thúc đẩy doanh số. Đây cũng là xu hướng chung của ngành công nghiệp làm đẹp toàn cầu. Các tên tuổi lớn như L’Oréal SA và Sephora của LVMH cũng sử dụng AI để điều chỉnh sản phẩm theo nhu cầu của khách hàng.
Theo báo cáo của Statista Market Insights, doanh số bán hàng ngành công nghiệp làm đẹp toàn cầu bao gồm mỹ phẩm đạt 625,6 tỷ USD vào năm 2023, tăng đều đặn hàng năm kể từ khi giảm vào năm 2020 trong thời kỳ COVID-19.
Theo các nhà phân tích, việc sử dụng AI thay vì các chuyên gia tư vấn có thể đẩy nhanh quá trình phát triển sản phẩm và giảm thiểu các biến số ngoài mong đợi.
"Bất kể một chuyên gia có chuyên nghiệp đến đâu, độ lệch của từng cá nhân cũng có thể lớn và việc đánh giá mỹ phẩm bằng cách tham khảo ý kiến của 30 đến 40 chuyên gia mọi lúc là rất khó khăn", Yang Yong Suk, nhà nghiên cứu chính tại Viện nghiên cứu điện tử và viễn thông Hàn Quốc (ETRI), người đã đồng phát triển một mô hình học máy sâu về kết cấu của sản phẩm mỹ phẩm cho biết.
Yang cho biết thêm, "Ngày nay, thời gian phát triển sản phẩm đã được rút ngắn và ngày càng có nhiều sản phẩm mới được tung ra nhanh hơn. Việc kết hợp các công nghệ AI có thể giải quyết những khó khăn và tạo ra nhiều đột phá hơn nữa".
Công ty cung cấp dịch vụ phân tích Business Research Company nhận định, thị trường sử dụng AI trong ngành công nghiệp làm đẹp và mỹ phẩm được dự báo sẽ tăng gấp đôi từ 3,27 tỷ USD vào năm 2023 lên 8,1 tỷ USD vào năm 2028 khi các dịch vụ như đề xuất làm đẹp được cá nhân hóa, phân tích và chẩn đoán da, và chuyên gia trang điểm ảo mở rộng.
Minh Châu
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/khi-ai-tham-gia-vao-linh-vuc-lam-dep-trien-vong-phat-trien-chua-tung-co-4857.html