Trong công điện mới đây, Thủ tướng chính phủ đã yêu cầu sau ngày 30/3/2025, chung cư mini, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, nhà ở cho thuê trọ trên cả nước nếu không thực hiện các giải pháp phòng cháy chữa cháy sẽ bị dừng hoạt động.
Tại Hà Nội, sau vụ cháy thương tâm khiến 14 người tử vong ở Trung Kính, thành phố đã siết chặt kiểm tra các cơ sở không đảm bảo về phòng cháy chữa cháy (PCCC). Thậm chí, có cơ sở đã bị tạm đình chỉ, đình chỉ toàn bộ hoặc một phần tòa nhà. Lực lượng chức năng còn tiến hành xử phạt nhiều cơ sở không đảm bảo PCCC như:
Toà nhà Hà Nội Paragon (phường Dịch Vọng Hậu) đã bị xử phạt 90 trệu đồng với khu vực vi phạm có diện tích hơn 680m2 tại tầng hầm B1 khu thương mại (từ trục 2C3B/3-5-3-6).
Hay Công ty Cổ phần Bất động sản Toàn Cầu (GP-Invest) có dự án The Nine (số 9 Phạm Văn Đồng, phường Mai Dịch) vi phạm PCCC bị tạm đình chỉ, đình chỉ tại tầng 31 và xử phạt hành chính 23 triệu đồng.
Dự án Tràng An Complex tại số 1 Phùng Chí Kiên (phường Nghĩa Đô) cũng do GP-Invest làm chủ đầu tư, có nhiều hạng mục vi phạm PCCC bị tạm đình chỉ, đình chỉ. Cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính dự án này 190 triệu đồng.
Tòa Discovery (số 302 Cầu Giấy, phường Dịch Vọng) có khu vực các tầng căn hộ tháp B, khu vực tầng hầm; khu vực khối đế và tháp A bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động và xử phạt 80 triệu đồng vì vi phạm PCCC.
Nhằm tăng hiệu quả hơn nữa cho công tác quản lý PCCC, Bộ Công an đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định 144/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này. Trong dự thảo nghị định này có bổ sung xử phạt thêm 6 hành vi sau:
Thứ nhất, không gửi báo cáo khi có thay đổi các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, không thực hiện các yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung với hồ sơ thẩm duyệt thiết kế về PCCC.
Thứ ba, không bổ sung, chỉnh lý phương án chữa cháy, phương án cứu nạn, cứu hộ khi có sự thay đổi, cải tạo so với hiện trạng ban đầu. Không lắp đặt phương tiện chiếu sáng ở những vị trí trang bị phương tiện PCCC theo quy định của pháp luật.
Thứ tư, làm mất, hỏng hoặc làm mất tác dụng thiết bị thuộc hệ thống báo cháy, chữa cháy.
Thứ năm, làm mất tác dụng của lối vào từ trên cao phục vụ công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Thứ sáu, không ban hành quy chế hoạt động của đội PCCC cơ sở... cho phù hợp với Luật Phòng cháy và chữa cháy, các văn bản hướng dẫn thi hành và đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này.
Ngoài ra, dự thảo cũng quy định các mức xử phạt vi phạm hành chính. Đáng chú ý, Bộ Công an đã nâng mức phạt tiền với các hành vi vi phạm về PCCC trong quản lý, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt; vi phạm quy định về PCCC trong đầu tư, xây dựng… với mức phạt cao nhất là 50 triệu đồng. Đơn cử như việc không làm tường ngăn cháy, cửa ngăn cháy, vách ngăn cháy... có thể bị phạt 50 triệu đồng.
Đặc biệt, dự thảo cũng bổ sung thêm một quy định mới mà nghị định hiện hành chưa có và đề xuất phạt tiền từ 4 - 6 triệu đồng với hành vi không báo cháy, sự cố, tai nạn hoặc ngăn cản, gây cản trở việc thông tin báo cháy, sự cố, tai nạn.
Vân Thanh
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/hanh-vi-khong-bao-hoac-ngan-can-bao-chay-co-the-bi-phat-toi-6-trieu-dong-4935.html