Lo ngại thêm nhiều ca nghi nhiễm bạch hầu: Tỷ lệ tiêm chủng 6 tháng đầu năm không đạt tiến độ

Bộ Y tế cho biết, nhiều loại vaccine đang không đạt tiến độ tiêm chủng, như tỷ lệ tiêm vaccine "5 trong 1" có thành phần bạch hầu và ho gà (DPT- DPT-VGB-Hib 3) cho trẻ 2, 3 và 4 tháng tuổi trong 6 tháng qua chỉ đạt 36,8%.

Thêm tỉnh có ca nghi nhiễm bạch hầu

Ngành Y tế tỉnh Lào Cai vừa ghi nhận một ca nghi mắc bệnh bạch hầu. Chiều tối 15/7, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lào Cai Hoàng Quốc Hương cho hay, đây là ca nghi mắc bệnh bạch hầu đầu tiên phát hiện ở tỉnh. Đơn vị đã gửi mẫu về Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương để xét nghiệm.

Hiện tại, bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Thắng trong tình trạng vẫn còn ho, sốt, họng và khoang miệng có nhiều giả mạc trắng khắp, da xanh... Trước đó, ngày 13/7, Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Thắng đã thông báo về một trường hợp bệnh nhân có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu. Ngay sau đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lào Cai đã phối hợp cùng các đơn vị y tế địa phương tiến hành điều tra, xác minh.

vaccine-bach-hau-2-1721104514.jpg
Ngành Y tế cơ sở Lào Cai triển khai tích cực các biện pháp phòng, chống dịch

Bệnh nhân nghi mắc bạch hầu là M.T.V (trú xã Kim Sơn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai). M.T.V có biểu hiện ho, đi ngoài kéo dài từ Tết Âm lịch năm 2024, đã đi bệnh viện khám và điều trị nhiều lần nhưng không đỡ. Ngày 10/7, bệnh nhân có biểu hiện ho nhiều, ho có đờm, đau họng kèm đi ngoài, mệt mỏi, không ăn uống được.

Đến ngày 12/7, bệnh nhân gia tăng các triệu chứng, kèm sốt cao 39 độ C cùng với khoang miệng xuất hiện nhiều mảng giả mạc nên được gia đình đưa tới Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Thắng khám. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm phổi, sốt, đau bụng, nghi mắc bạch hầu.

Điều tra dịch tễ trong vòng 14 ngày qua, bệnh nhân không ra khỏi địa phương, không tiếp xúc với người nghi nhiễm hay nhiễm bệnh bạch hầu. 23 người tiếp xúc gần với bệnh nhân, gồm có 12 nhân viên y tế và 11 người trong gia đình. Hiện, sức khỏe của những người tiếp xúc gần với ca bệnh bình thường, chưa phát hiện triệu chứng nghi bệnh.

Ông Mai Đại Thành - Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lào Cai cho hay, bệnh nhân có tiền sử chung sống với người nhiễm HIV/AIDS nên tính đến khả năng mắc nhiễm trùng cơ hội khác, từ đó khả năng nhiễm bệnh bạch hầu thấp. Tuy nhiên, trước diễn biến dịch bệnh bạch hầu phức tạp, ngành Y tế lào Cai đã triển khai khai sớm các biện pháp dự phòng và kiểm soát.

Trước Lào Cai, Hải Dương cũng phát hiện một ca nghi nhiễm bạch hầu. Ông N.Q.T (ở thị trấn Tứ Kỳ, huyện Tứ Kỳ) có triệu chứng sốt, rát họng, amydal có giả mạc trắng ngà, chảy máu khi bóc, không ho... nên đã tới viện khám. Qua xác minh dịch tễ, bệnh nhân chưa tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu.

Nghi ngờ bệnh nhân mắc bạch hầu, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Dương đã lấy mẫu gửi tới Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm của ông N.Q.T là âm tính. Song bệnh nhân vẫn có một số triệu chứng giống bệnh bạch hầu, do đó CDC Hải Dương khuyến cáo bệnh nhân và người dân tuyệt đối không chủ quan với bệnh này.

vaccine-bach-hau-1721104405.jpg
Tỷ lệ tiêm chủng vaccine có thành phần bạch hầu chưa đạt tiến độ

Tỷ lệ tiêm chủng chưa đạt

Bộ Y tế cho biết, chỉ tiêu đặt ra đối với 11 loại vaccine trong năm nay là đạt tỷ lệ tiêm từ trên 90%. Song hiện chỉ có ba vaccine là lao, sởi và DPT (bạch hầu - ho gà -uốn ván) đạt tiến độ tiêm chủng với tỷ lệ từ 39% đến 40% trở lên, trong 6 tháng đầu năm. Các loại vaccine khác đang không đạt đúng tiến độ tiêm chủng.

Như tỷ lệ tiêm vaccine "5 trong 1" có thành phần bạch hầu và ho gà (DPT- DPT-VGB-Hib 3) cho trẻ 2, 3 và 4 tháng tuổi trong 6 tháng qua chỉ đạt 36,8%. Tương tự, tỷ lệ tiêm vaccine phòng viêm gan B sơ sinh trong 24 giờ đầu, vaccine viêm não, vaccine sởi - rubella... chỉ từ 26% - 36%.

Bộ Y tế không nêu nguyên nhân khiến tỷ lệ tiêm chủng thấp, nhưng thực tế ghi nhận tình trạng thiếu vaccine diễn ra nhiều nơi thời gian qua. Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP. HCM thông tin, trong những năm đại dịch Covid-19, tỷ lệ tiêm chủng chung giảm thấp chỉ đạt gần 80%, một số nơi còn thấp hơn.

Gián đoạn cung ứng vaccine kéo dài có thể khiến trẻ nhỏ không được tiêm chủng đầy đủ, dẫn tới nguy cơ mắc bệnh rất cao. Một khi cộng đồng không được cung ứng vaccine đầy đủ, tỷ lệ tiêm chủng sẽ giảm xuống, có thể dẫn tới nguy cơ bùng phát một số dịch bệnh.

Kế hoạch năm 2025, Bộ Y tế đặt mục tiêu cung ứng đầy đủ vaccine và triển khai vaccine mới trong chương trình Tiêm chủng mở rộng. Bộ cũng phấn đấu trong năm 2025 không có ca virus bại liệt hoang dại, 100% huyện đạt tiêu chuẩn loại trừ uốn ván sơ sinh, tỷ lệ mắc bạch hầu dưới 0,1/100.000 người, tỷ lệ mắc sởi dưới 5/100.000 người...

Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia triển khai từ năm 1981 do Bộ Y tế khởi xướng với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc. Chương trình có mục tiêu ban đầu là tiêm chủng miễn phí cho trẻ em dưới 1 tuổi, bảo vệ trẻ khỏi 6 loại bệnh truyền nhiễm phổ biến và gây tử vong cao.

Từ năm 1985, toàn bộ trẻ em dưới 1 tuổi trên toàn quốc đã được tiếp cận Chương trình tiêm chủng mở rộng. Đến năm 2010, có 11 vaccine phòng bệnh truyền nhiễm phổ biến, nguy hiểm cho trẻ em được đưa vào Chương trình gồm phòng bệnh lao, ho gà, bạch hầu, uốn ván, bại liệt, sởi, viêm gan B, viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib.

Du Vũ

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/lo-ngai-them-nhieu-ca-nghi-nhiem-bach-hau-ty-le-tiem-chung-6-thang-dau-nam-khong-dat-tien-do-4952.html