Khó “làm sạch” tài khoản dùng để lừa đảo, gian lận

Ngay cả khi các ngân hàng đồng loạt triển khai tính năng phát hiện, cảnh báo tài khoản lừa đảo cũng khó có thể ngặn hoàn toàn các hành vi của kẻ xấu bởi các tài khoản có thể được mở bất cứ lúc nào.

Nghị định 52/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/7 cho phép các ngân hàng có quyền phong tỏa hoặc đóng tài khoản không chính chủ, tài khoản được dùng làm phương tiện lừa đảo mà không cần chờ cơ quan công an vào cuộc.

Không thể cảnh báo hết các tài khoản lừa đảo

Cụ thể, khi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện có nhầm lẫn, sai sót khi ghi có nhầm vào tài khoản thanh toán của khách hàng hoặc thực hiện theo yêu cầu hoàn trả lại tiền của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán do có nhầm lẫn, sai sót so với lệnh thanh toán của bên chuyển tiền. Số tiền bị phong tỏa trên tài khoản thanh toán không được vượt quá số tiền bị nhầm lẫn, sai sót.

Việc đóng tài khoản thanh toán sẽ được thực hiện khi chủ tài khoản vi phạm như mở tài khoản mạo danh, mua bán, cho thuê mượn tài khoản; lấy cắp, mua bán thông tin tài khoản; sử dụng tài khoản thanh toán để đánh bạc, gian lận lừa đảo, kinh doanh trái pháp luật và thực hiện hành vi vi phạm pháp luật khác.

Những quy định này được đánh giá là sẽ “dọn dẹp” được các tài khoản ngân hàng mà tội phạm sử dụng với mục đích lừa đảo, khi trao một phần quyền chủ động xử lý cho ngân hàng. Trước đây, một số ngân hàng cũng đã chủ động trong việc xây dựng danh sách các tài khoản đáng ngờ nhưng chưa dám mạnh tay bởi phải chờ kết luận chính thức từ cơ quan điều tra thì mới được hạn chế dòng tiền ra, vào tài khoản đó.

tai-khoan-ngan-hang-1721125076.jpg
Một cá nhân có thể mở nhiều tài khoản ở các ngân hàng khác nhau

Trong bối cảnh các hình thức lừa đảo ngày càng tinh vi, chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể dẫn đến việc mất mát tài sản, các quy định tại Nghị định 52 sẽ giúp các ngân hàng mạnh tay hơn đối với các tài khoản nghi ngờ, nhằm ngăn chặn, loại bỏ kịp thời các hành vi của kẻ xấu.

Tuy nhiên, đại diện của một số ngân hàng cũng chia sẻ những khó khăn nếu áp dụng việc cảnh báo tài khoản lừa đảo cho khách hàng. Theo đó, động thái này có thể khiến khách hàng nhầm tưởng chỉ tài khoản cảnh báo mới là lừa đảo, trong khi 1 cá nhân có thể mở cùng lúc nhiều tài khoản ở nhiều ngân hàng để lừa đảo.

Hay như tại hội thảo “Giải pháp bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng”, các chuyên gia đều đưa ra nhận định, sự phát triển của công nghệ trong ngành ngân hàng luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro liên quan đến hoạt động thanh toán. Nếu không quản lý tốt việc sử dụng tài khoản thì không nhất thiết là tội phạm công nghệ, mà bất kỳ tài khoản nào cũng có thể bị lợi dụng vào mục đích xấu.

Thậm chí, ngay cả khi các ngân hàng cùng đồng loạt triển khai tính năng phát hiện và cảnh báo tài khoản lừa đảo, cũng khó có thể ngăn chặn hoàn toàn các hành vi lừa đảo.

Bất kỳ tài khoản nào cũng có thể bị lợi dụng

Theo đại diện của một ngân hàng, những đối tượng lừa đảo hay lợi những những tài khoản trôi nổi bằng cách mua lại của các chủ sở hữu là học sinh, sinh viên. Do chưa nhận thức được hết hậu quả của việc chuyển tài khoản của mình cho người khác, nhiều người đã bán lại cho những đối tượng thu mua để hưởng lợi mà không biết họ sử dụng với mục đích lừa đảo.

Trong khi đó, ông Vũ Ngọc Sơn - Ủy viên ban chấp hành Hiệp hội An ninh mạng quốc gia cho biết, hoạt động lừa đảo diễn biến rất phức tạp, không có giải pháp kỹ thuật đơn lẻ nào có thể đưa vào danh sách để chống được vấn nạn này.

tai-khoan-nghi-ngo-1721125352.jpeg
Ngay cả khi các ngân hàng đồng loạt triển khai tiện ích cảnh báo nghi ngờ cũng không thể "làm sạch" tài khoản lừa đảo

Đặc biệt, nhiều nhóm lừa đảo trên mạng hoạt động như một công ty, có bộ phận nghiên cứu, có cả văn phòng và phòng ban chuyên biệt, bộ phận đào tạo.

Do vậy, khi chưa có đầy đủ danh tính cách tài khoản lừa đảo, để ngăn chặn và cảnh báo khách hàng khi chuyển tiền, thì việc xác thực sinh trắc học được thực hiện đủ rộng đã có thể giảm thiểu nguy cơ. Ngay cả với các tài khoản đi mua, nếu không được xác thực cũng sẽ không thực hiện được các lệnh chuyển tiền.

Điều này giúp hạn chế rất nhiều số lượng tài khoản ảo, hạn chế số vụ lừa đảo chuyển tiền có thể xảy ra.Đặc biệt là các vụ lừa đảo chuyển số tiền lớn, vì muốn chuyển được 10 triệu đồng/lần, 20 triệu đồng/ngày hay lớn hơn thì bắt buộc phải sử dụng sinh trắc học để xác thực khuôn mặt.

Dù vậy, giới chuyên gia cùng các lãnh đạo ngân hàng vẫn đưa ra các khuyến cáo, trong thời gian tới các hình thức lừa đảo có thể biến tướng không thể lường trước được, nhất là khi kẻ xấu nhắm đến người cao tiểu, hiểu biết về công nghệ hạn chế. Theo đó, cần theo dõi sát những cảnh báo của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, ngân hàng về những hình thức lừa đảo mới.

Tuệ Minh

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/kho-lam-sach-tai-khoan-dung-de-lua-dao-gian-lan-4972.html