Thả đồ thờ cúng cũ xuống sông: Thói quen xấu cần bỏ

Thượng tọa Thích Nhật Từ chia sẻ, tập tục thả đồ thờ cúng xuống sông với niềm tin người quá cố sẽ gặp ông bà tổ tiên, được "mát mẻ" là một sai lầm. Tác hại của niềm tin này không chỉ là lãng phí mà còn ô nhiễm môi trường, nguồn nước.

Ngày 17/7, Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ số 1, Phòng CSGT Hà Nội cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Đội CSGT đường bộ số 5 lập biên bản xử phạt tài xế Lò Văn T. (SN 1995, quê Sơn La) về hành vi dừng đỗ xe trên cầu Chương Dương xả rác xuống sông Hồng. Cụ thể, tài xế Lò Văn T. sẽ bị xử phạt 2,5 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 2 tháng.

ban-tho-2-1721260568.jpg
Tài xế Lò Văn T. tại cơ quan công an (Ảnh: Trần Thanh)

Trước đó, lực lượng CSGT Hà Nội đã nhận được phản ánh của người dân về việc tài xế ô tô BKS 30H-606.xx dừng xe giữa cầu Chương Dương, rồi vứt rác xuống sông Hồng. Đội CSGT đường bộ số 1 và số 5 đã phối hợp vào cuộc xác minh. Lực lượng chức năng nhanh chóng xác định được chủ xe là anh Nguyễn Hồ Đ. (quận Long Biên, Hà Nội), tài xế lái phương tiện lúc đó là Lò Văn T. và người vứt rác xuống sông Hồng là anh Nguyễn Huy H. (SN 1979, Long Biên).

Cảnh sát đã mời lái xe và chủ xe lên làm việc. Tại cơ quan công an, tài xế Lò Văn T. cho biết, do có một số vật dụng đồ thờ muốn bỏ nên khoảng 15h30 ngày 15/7, anh đã điều khiển ô tô lên cầu Chương Dương. Sau đó anh dừng xe trên cầu để cho anh Nguyễn Huy H. xuống xe vứt bỏ.

Theo anh T., do là đồ thờ nên anh muốn ném xuống sông Hồng thay vì vứt bỏ ngoài bãi rác. Anh chia sẻ đã nhận thức được hành vi vi phạm của bản thân và hứa sẽ không tái phạm.

ban-tho-3-1721260568.jpg
Bát hương bị vứt chỏng chơ mất mỹ quan đô thị

Hành vi vứt đồ thờ cúng không dùng ra chỗ có nước như sông, hồ… không phải bây giờ mới xuất hiện mà đã có từ xưa. Cách đây vài năm, một hồ nước tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) đã được tôn tạo, tu sửa. Khi rút nước đi, lòng hồ cạn làm ra cơ man đồ thờ cúng cũ bị vứt quăng một cách vô ý thức như bàn thờ, lư hương, đèn dầu… Điều này khiến môi trường hồ bị ô nhiễm.

Hay phía bãi giữa sông Hồng, dưới chân cầu Long Biên, có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh bát hương, bàn thờ bị vứt bỏ bừa bãi.

Trong tiềm thức của rất nhiều người Việt, bỏ đồ thờ cúng, chân nhang và đồ vàng mã đã hóa xuống sông, hồ… miễn là chỗ nào có nước để hương linh, vong linh nhà mình mát mẻ. Tuy nhiên, Thượng tọa Thích Nhật Từ - Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng, đây là một niềm tin sai lầm. Tác hại của niềm tin này là đã làm cho rất nhiều người hoang phí các vật thờ cúng trong khi vẫn còn giá trị sử dụng.

Ngoài ra, thói quen này còn làm ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường nước. Các dụng cụ thờ cúng được chế tác bằng sành sứ nếu không có nhu cầu sử dụng nữa có thể tặng biếu cho những gia đình khác. Trong trường hợp không ai tiếp nhận, chúng ta có thể đặt ở những vị trí thích hợp để không làm ô nhiễm môi trường nước.

ban-tho-1721260568.jpg
Đồ thờ cúng bị vứt bỏ phía bãi giữa sông Hồng (Ảnh: Dân trí)

Nhà nghiên cứu văn hóa Đinh Hồng Cường cũng chia sẻ, ứng xử với người đã khuất là một câu chuyện tế nhị nhưng cũng hàm chứa sự minh triết cao siêu. Những đồ thờ cúng thay thế, cái nào còn dùng được thì dùng, không dùng được nữa thì đem gói gọn vứt vào thùng rác, hoặc cất đi để sau này có khi còn dùng đến hoặc thậm chí có thể cất giữ làm đồ cổ theo thời gian lâu dần. Những thứ vàng mã, chân hương đã hóa thì trộn với đất trồng cây nhà mình, hoặc gói gọn bỏ vào sọt rác cho gọn gàng, sạch sẽ.

Các chuyên gia phong thủy khác cũng khuyên, khi thay bát hương mới và bát hương cũ không dùng đến nữa, tốt nhất là nên đập vỡ và chôn xuống đất, có thể chôn trong vườn nhà hoặc mang về nhà thờ tổ để chôn.

Nhà nghiên cứu văn hóa Đinh Hồng Cường nhấn mạnh, ngưỡng vọng tổ tiên là điều trân quý, cần được bảo tồn và phát huy nhưng phải văn minh, khoa học. Đặc biệt chúng ta phải biết gìn giữ môi sinh xanh, sạch, đẹp để chúng ta được hưởng và vì tương lai thế hệ con cháu.

Du Vũ

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/tha-do-tho-cung-cu-xuong-song-thoi-quen-xau-can-bo-4999.html