Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho vay tiêu dùng là hoạt động tín dụng có đặc thù: dư nợ nhỏ; số lượng khách hàng lớn; vay tín chấp, không có tài sản đảm bảo. Do đó, chất lượng tín dụng của danh mục cho vay tiêu dùng phần lớn dựa vào ý thức tự trả nợ của người vay và các biện pháp thu hồi nợ như nhắn tin, gọi điện nhắc nợ từ xa...
Nhưng khoảng 2 - 3 năm trở lại đây, nhiều ngân hàng thương mại và công ty tài chính phải thu hẹp danh mục cho vay tiêu dùng do sự nở rộ của các hội/nhóm rủ nhau “bùng nợ” dẫn đến nợ xấu.
Tại hội thảo “Phát triển lành mạnh tín dụng tiêu dùng, đẩy lùi tín dụng đen” diễn ra vào ngày 18/7, ông Đoàn Thái Sơn - Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, gần đây xuất hiện tình trạng tội phạm lợi dụng môi trường mạng xã hội, tổ chức nhiều hội nhóm truyền bá, hướng dẫn nhau cách không phải trả nợ cho tổ chức tín dụng (TCTD). Các công ty mạo danh, lừa đảo… đã làm ảnh hưởng tới hoạt động tín dụng tiêu dùng.
Theo ông Đoàn Thái Sơn, tổng dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng đạt khoảng 2,8 triệu tỷ đồng, chiếm 20% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. 16 tổ chức tín dụng (TCTD) có dư nợ cho vay tiêu dùng lớn đang có trên 30 sản phẩm tín dụng tiêu dùng.
Trong khi đó, bà Mai Thị Trang - Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cũng cho hay, trên mạng xã hội có nhiều hội nhóm kín đăng tải các bài viết, video hướng dẫn cách “bùng nợ” khi vay qua TCTD khiến không ít khoản vay bị chuyển vào nợ xấu, nợ khó đòi.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiền - Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng thông tin, người vay tham gia vào các hội nhóm “rủ nhau bùng nợ” dẫn đến các hành động phi pháp, gây khó khăn cho ngân hàng, công ty tài chính. Họ còn chưa nhận thức đầy đủ hậu quả của việc không trả nợ, hay để nợ quá hạn.
Theo bà Hiền, Người dân có xu hướng ý thức rõ hơn về hậu quả trực tiếp như phải chịu trách nhiệm pháp lý, bị khóa thẻ tín dụng…, nhưng lại mù mờ về hậu quả dài hạn hoặc gián tiếp như gặp khó khăn trong lần vay sau, phải chịu các lãi suất và phí trễ hạn, bị ảnh hưởng đến điểm tín dụng.
Nói về thực trạng cho vay tiêu dùng và thu hồi nợ hiện nay, ông Bùi Đức Tài - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an chia sẻ, lợi dụng việc cơ quan chức năng xử lý những đối tượng cưỡng đoạt tài sản núp bóng công ty tài chính, mua bán nợ, doanh nghiệp, công ty luật, mà một số người vay vốn của hệ thống ngân hàng hay công ty tài chính cố tình “chây ỳ” trả nợ.
Hiện một số đối tượng còn thành lập các hội, nhóm lôi kéo, hướng dẫn cách “bùng nợ” gây ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống tín dụng chính thống, phát sinh nhiều rủi ro, chi phí, buộc hệ thống ngân hàng, các TCTD, công ty tài chính phải siết chặt các quy định, điều kiện cho vay để đảm bảo an toàn nguồn vốn, hạn chế nợ xấu.
Ông Nguyễn Hồng Quân - thành viên Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cũng phản ánh, hiện nay nhiều người vay cố tình không trả nợ, chống đối, tố cáo, vu khống cán bộ thu nợ của ngân hàng thương mại/công ty tài chính dùng biện pháp manh động để đòi nợ lên các cơ quan chính quyền.
Ông Quân cho hay, nợ xấu tăng cao, các ngân hàng thương mại/công ty tài chính phải trích lập dự phòng lớn. Trong giai đoạn nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, các ngân hàng thương mại, công ty tài chính buộc phải thu hẹp kế hoạch tăng trưởng. Hệ quả là "tín dụng đen" nở rộ, người chịu ảnh hưởng cuối cùng lại chính là người đi vay.
Vân Thanh
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/he-luy-tu-cac-hoi-nhom-ru-nhau-bung-no-vay-tieu-dung-5039.html