Theo cập nhật của Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP.HCM, thông qua việc tổ chức các sự kiện văn hóa du lịch, trên địa bàn thành phố đang có 720 KOL hoạt động. Hiện, Sở đang lập danh sách, chia từng nhóm ngành nghề và quản lý các KOL không nhằm mục đích xử phạt.
Tác động không nhỏ của các KOL
Cung cấp thêm thông tin về động thái này, ông Nguyễn Thanh Hòa – Trưởng phòng Thông tin điện tử, Sở TT&TT TP.HCM cho biết, trong mạng lưới các KOL, có nhiều nhóm quan tâm đến vấn đề công nghệ, văn hóa, lịch sử, du lịch… đã hỗ trợ tích cực cho quảng bá hình ảnh của TP.HCM đến bạn bè, du khách trong và ngoài nước.
Theo Sở TT&TT, việc này nhằm phát huy thế mạnh của nhiều cá nhân, tổ chức có ảnh hưởng trên mạng xã hội, hướng đến mục đích tuyên truyền, quảng bá chủ trương, hình ảnh của thành phố. Đồng thời có thể chủ động nguồn thông tin, xử lý kịp thời khi có vi phạm, khủng hoảng truyền thông.
Bởi lẽ, bên cạnh những tác động tích cực, những tác động tiêu cực đối với truyền thông của các KOL cũng không hề nhỏ.
Trước đó, tại phiên chất vấn Giám đốc Sở TT&TT Lâm Đình Thắng của kỳ họp thứ 17 HĐND TP. HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, đại biểu Nguyễn Thị Nga cho biết, trong thời gian qua, các thông tin giả, tin xấu độc xuất hiện tràn lan trên mạng, tạo hiệu ứng đám đông, gây tiêu cực cho xã hội.
Cùng với đó, bà Nga cũng đặt vấn đề sàn thương mại điện tử ngày càng phát triển, đi kèm với đó có nhiều sản phẩm quảng cáo không đúng sự thật. Cơ quan quản lý có biện pháp gì để bảo vệ người tiêu dùng?
Thực tế, thị trường kinh doanh trên các nền tảng mạng xã hội ngày càng phát triển cả về quy mô và hình thức. Cạnh tranh trên mạng cũng diễn ra gay gắt khiến những người kinh doanh phải sáng tạo ra nhiều chiêu thức để thu hút khách hàng.
Một trong những phương thức quảng cáo đó là sự góp mặt của các KOL. Quảng cáo, bán hàng trực tuyến cũng là một hình thức hoạt động mang lại lợi ích chính đáng cho các KOL với mức thu nhập không hề nhỏ nhờ sự ảnh hưởng trực tiếp đến xu hướng mua sắm của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, sau một thời gian trải nghiệm, nhiều người cho biết, không phải cứ mua hàng của người nổi tiếng là sản phẩm sẽ uy tín. Đáng chú ý, còn có hiện tượng một số KOL có lượng theo dõi cao, còn quảng cho các website cờ bạc đổi thưởng, người hâm mộ những đối tượng này đều ở độ tuổi trẻ, dễ bị tác động về tâm lý và hành vi.
Trong khi đó, trách nhiệm của các KOL có vẻ tỷ lệ nghịch với thu nhập. Mức xử phạt hành chính hiện nay chỉ dao động trong mức 5-10 triệu đồng chưa đủ sức răn đe.
Siết quản lý mạng xã hội
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Nga, ông Lâm Đình Thắng cho biết, các thông tin trên mạng hiện nay đến từ 2 nguồn: một là các tổ chức, cá nhân trong nước, có nguồn gốc rõ ràng và được cấp phép; nguồn còn lại là các trang mạng không rõ nguồn gốc, mạng xã hội xuyên biên giới, đặt máy chủ ở nước ngoài.
Trong đó, các mạng xã hội như Youtube, Facebook, Tiktok được người Việt Nam sử dụng nhiều. Đây cũng là các kênh lan truyền tin giả, tin sai lệch chủ yếu trên mạng xã hội.
Từ đầu năm đến nay, Sở TT&TT đã chuyển 30 tài khoản vi phạm trên không gian mạng lên Bộ TT&TT. Đồng thời kiến nghị sửa đổi quy định theo hướng tài khoản trên mạng xã hội phải có định danh, chỉ có tài khoản định danh mới được bình luận; những tài khoản xuyên biên giới bắt buộc phải chấp hành pháp luật Việt Nam…
Ngoài ra, Sở TT&TT cũng kiến nghị lập danh sách trắng gồm các trang mạng xã hội, các kênh mạng xã hội được chấp nhận, thực hiện đầy đủ quy định pháp luật và công bố rộng rãi để các đơn vị có nhu cầu sẽ tin tưởng sử dụng danh sách này, người dân thấy quảng cáo trên nền tảng cũng yên tâm hơn.
Liên quan đến các KOL, ông Lê Nguyễn Trường Giang – Viện trưởng Viện chiến lược chuyển đổi số cho rằng, cần định danh, xác định vai trò nghĩa vụ của các KOL về những nội dung mà họ tuyên truyền; cách thức, nghĩa vụ cam kết với người tiêu dùng, cũng như chính những người cung cấp sản phẩm, dịch vụ để bảo vệ lợi ích, quyền lợi cho người tiêu dùng.
Đồng quan điểm, ông Ngô Quốc Khang, chuyên gia tư vấn chuyển đổi số cho biết, các KOL nên được coi là đơn vị cung cấp sản phẩm, dịch vụ vì họ dùng sự ảnh hưởng của mình để thuyết phục người mua. Ngoài ra, họ đồng thời cũng thực hiện bán nên cần có quy định, pháp lý về việc này để các KOL có trách nhiệm với sản phẩm đưa ra.
Tùng Bách
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/tphcm-lap-danh-sach-phan-chia-nhom-nganh-nghe-cua-cac-kol-de-quan-ly-5048.html