Đến khám bệnh với thể trạng gầy yếu, ăn uống kém kéo dài, chị Nguyễn Thị Nguyệt (34 tuổi, quận Bình Tân, TP. HCM) tỏ ra lo lắng khi phát hiện bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP). Chị cho biết, hơn 1 tháng trước, chị xuất hiện triệu chứng đau bụng thượng vị, đau âm ỉ, chán ăn, mệt mỏi… Nghĩ mình mắc bệnh tiêu hóa bình thường, chị đã uống men vi sinh.
Tuy nhiên, sau đó triệu chứng vẫn không thuyên giảm. Lúc này, chị mới đến bệnh viện nội soi dạ dày tá tràng. Các bác sĩ cho biết, niêm mạc dạ dày của chị bị phù nề, xung huyết với nhiều nốt viêm… Kiểm tra nhanh cho kết quả dương tính với vi khuẩn HP.
Chị Trần Thị Thủy (25 tuổi, quê Tiền Giang, đang sống tại quận 5) đã đến khoa Tiêu hóa Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM khám với triệu chứng đau bụng, đau lan ra sau lưng, buồn nôn, cảm giác nóng rát sau xương ức. Qua thăm khám và xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán chị bị viêm dạ dày, nhiễm vi khuẩn HP dương tính nên được chỉ định điều trị HP theo phác đồ lần 1.
Hiện nay, có rất nhiều người trưởng thành như chị Nguyệt và chị Thủy nhiễm vi khuẩn HP. Tỷ lệ người mắc ngày càng tăng cao. Mới đây, Bộ Y tế đã phải đưa ra cảnh báo khi có tới 70% - 90% người trưởng thành ở nước ta nhiễm vi khuẩn HP. Đây là nguyên nhân chính gây ra nhiều bệnh lý về dạ dày, tá tràng và là tác nhân gây ung thư dạ dày.
Một số nghiên cứu cho thấy, người nhiễm vi khuẩn HP có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao gấp 2 - 6 lần so với người không nhiễm. Theo thống kê của Bộ Y tế, khoảng 10%-20% trường hợp nhiễm vi khuẩn HP có nguy cơ loét dạ dày tá tràng và 1%-2% có nguy cơ ung thư dạ dày.
Vi khuẩn HP lây qua nhiều con đường khác nhau như: nước bọt, hay dịch tiêu hóa của người mang virus, thói quen sinh hoạt, ăn uống không đảm bảo vệ sinh, hoặc có thể lây nhiễm từ các thiết bị y tế như dụng cụ nội soi dạ dày, dụng cụ nha khoa do không bảo đảm bảo quy trình khử khuẩn...
Đứng trước nỗi lo này, nhiều người đổ xô đi xét nghiệm, tầm soát để nếu mắc thì điều trị sớm… Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, chủng vi khuẩn này nên được hiểu đúng để có thể điều trị hiệu quả nhất.
PGS.TS.BS Bùi Hữu Hoàng - cố vấn chuyên môn Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM cho biết, dù vi khuẩn HP có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm nhưng không phải người nào bị nhiễm vi khuẩn HP cũng xảy ra tình trạng diễn tiến xấu. Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như di truyền, độc tính của chủng loại vi khuẩn HP và chế độ sinh hoạt, ăn uống của người bệnh.
Một số người nhiễm vi khuẩn HP ở dạng tiềm ẩn, ổn định thì sẽ không xuất hiện triệu chứng bệnh. Nhưng thay vì theo dõi định kỳ theo chỉ định của bác sĩ, nhiều người lại quá lo lắng, dẫn đến tốn kém trong điều trị, thậm chí dẫn đến tác dụng phụ không cần thiết.
Phác đồ điều trị vi khuẩn HP cho người bệnh có chỉ định gồm ít nhất 2 loại kháng sinh và thường điều trị trong 14 ngày, sau đó có thể uống thêm thuốc kháng tiết axit để giúp lành vết tổn thương ở dạ dày và giảm triệu chứng. Các thuốc điều trị vi khuẩn HP thường có nhiều tác dụng phụ và cách sử dụng khác nhau, do đó người bệnh cần được bác sĩ tư vấn, hướng dẫn thật chi tiết, tránh việc tự ý bỏ thuốc làm ảnh hưởng tới kết quả điều trị, tăng nguy cơ xuất hiện biến chứng nguy hiểm.
Bác sĩ Bùi Hữu Hoàng khuyến cáo, để phòng ngừa bệnh do vi khuẩn HP gây ra, người dân cần tuân thủ ăn chín, uống sôi, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, không sử dụng chung các vật dụng ăn uống. Nếu phát hiện bị nhiễm vi khuẩn HP, người bệnh phải đến gặp bác sĩ để được tư vấn và tuân thủ đúng phác đồ điều trị, đồng thời tầm soát, điều trị cho những người sống chung, ăn chung để tránh nhiễm lại sau khi đã điều trị thành công.
Du Vũ
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/toi-70-nguoi-viet-truong-thanh-nhiem-vi-khuan-hp-5081.html