TP. HCM: Hướng giao thông trên cao để giải quyết ùn tắc

Tiến sĩ Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giao thông Vận tải Việt Đức chia sẻ, nếu không có mạng lưới đường trên cao, tình hình ùn tắc sẽ ngày càng nghiêm trọng. Chưa kể, muốn mở rộng những tuyến đường hiện hữu, chi phí giải phóng mặt bằng rất lớn.

Hạn hẹp quỹ đất giao thông mặt đất

Ở các đô thị lớn, mật độ dân số quá cao tại khu vực trung tâm, tỷ lệ đất dành cho giao thông chưa bảo đảm trong khi các loại hình vận tải công cộng còn hạn chế, dịch vụ hỗ trợ hoạt động vận tải còn thiếu gây khó khăn trong việc tổ chức giao thông. Từ đó dẫn đến tình trạng ùn tắc nghiêm trọng trên nhiều tuyến đường chưa thể được giải quyết.

Như tại TP. HCM, Sở Giao thông Vận tải cho biết, tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị tại thành phố chỉ đạt hơn 13%, kém khoảng 10% quy chuẩn. Mật độ đường giao thông đạt 2,34km/km2, chỉ bằng 1/5 quy chuẩn. Những chỉ tiêu này thấp hơn một số thành phố tương đồng ở Đông Nam Á như Bangkok, Singapore...

tac-duong-tp-hcm-1-1721607475.jpg
Tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị tại TP. HCM chỉ đạt hơn 13% (Ảnh: Nhật Thịnh/Thanh Niên)

Hiện TP. HCM đang quản lý hơn 9,2 triệu phương tiện, trong đó gần 8,3 triệu xe mô-tô và 940.126 xe ô tô. Nếu đem toàn bộ số phương tiện này ra xếp trên mặt đường thì cần 2 lần diện tích mặt đường hiện nay.

Lượng phương tiện ở TP. HCM tăng trung bình mỗi năm 6,5%, trong khi diện tích mặt đường chỉ tăng 0,2%. Hơn 10 năm qua, TP. HCM đã xây 9 cây cầu thép ở các nút giao nhằm giải quyết kẹt xe. Tuy nhiên, đường Cộng Hòa đoạn qua nút giao Hoàng Hoa Thám lại đang là một trong những "điểm đen" kẹt xe dù nơi này đã xây cầu vượt.

Nhằm kéo giảm tai nạn và ùn tắc giao thông, ngành giao thông TP. HCM phấn đấu hoàn thành đưa vào khai thác 12 công trình và khởi công 10 công trình vào năm 2024. Trong đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trọng điểm, cấp bách như nút giao thông An Phú, đường Vành đai 3, mở rộng quốc lộ 50, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, nút giao thông Mỹ Thủy, nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ...

Mở hướng giao thông lên cao

Tuy nhiên, muốn triệt để xử lý tình trạng ùn tắc, TP. HCM đang chuyển hướng giao thông lên cao. Ông Hà Ngọc Trường - Phó Chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP. HCM cho hay, việc xây dựng các tuyến đường trên cao là vô cùng cấp bách. Không có đường trên cao, TP. HCM khó thoát ùn tắc.

Còn tiến sĩ Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giao thông Vận tải Việt Đức chia sẻ, nếu không có mạng lưới đường trên cao, tình hình ùn tắc sẽ ngày càng nghiêm trọng. Chưa kể, muốn mở rộng những tuyến đường hiện hữu, chi phí giải phóng mặt bằng rất lớn. Ước tính hệ thống đường trên cao có thể giúp nâng tốc độ di chuyển trung bình lên khoảng 10 - 15%.

tac-duong-tp-hcm-1721607474.jpg
Tắc đường thường xuyên ở đường Cộng Hoà (Ảnh: Gia Minh - Khánh Hoàng)

Trong kế hoạch phát triển giao thông ở thành phố từ nay tới năm 2030, Sở Giao thông Vận tải TP. HCM cũng đề xuất ưu tiên triển khai dự án đường trên cao theo trục Trường Chinh - Cộng Hòa ở cửa ngõ Tân Sơn Nhất. Tuyến đường dài 11,2 km từ ngã tư An Sương nối đến khu vực sân bay, có 4 làn xe, vốn đầu tư gần 12.000 tỷ đồng, thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Ông Phan Công Bằng - Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP. HCM cho hay, tuyến đường này chưa có trong quy hoạch trước đây, nhưng hiện được bổ sung vào Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2040, tầm nhìn 2060. Đồ án này khi được Thủ tướng phê duyệt, ngành giao thông TP. HCM sẽ nghiên cứu kỹ để triển khai phù hợp.

Cùng với khu vực trên, Sở Giao thông Vận tải cũng dự tính nghiên cứu chuyển hai tuyến Xô Viết Nghệ Tĩnh và Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh, thành đường trên cao để kết nối đồng bộ với dự án nâng cấp quốc lộ 13. Hai tuyến này được quy hoạch rộng 25m - 40 m, hiện khoảng 16m - 22 m.

Nhưng dù được mở rộng với quy mô hoàn chỉnh thì cũng khó giải quyết hết ùn tắc bởi đây là hai trục huyết mạch ở cửa ngõ phía Đông, nhất là quốc lộ 13 khi được nâng cấp sẽ thu hút rất lớn lưu lượng xe dồn về khu vực này. "Do đó, cùng với mở rộng 2 tuyến như quy hoạch, việc xây thêm đường trên cao sẽ hình thành trục giao thông xuyên suốt từ quốc lộ 13 tới đại lộ Điện Biên Phủ, tăng hiệu quả đầu tư các dự án", ông Bằng cho hay.

Ngoài những khu vực trên, ngành giao thông TP. HCM dự tính nghiên cứu phương án đi trên cao ở một số trục đường chính khác theo quy hoạch như quốc lộ 1 (huyện Bình Chánh), cầu - đường Bình Tiên (quận 6, quận 8, huyện Bình Chánh), đường trục Bắc - Nam... Thách thức lớn nhất ở các dự án này là nguồn vốn nên các công trình dự kiến được thành phố huy động từ bên ngoài, đầu tư thông qua hình thức PPP.

Phát triển đường trên cao sẽ giải quyết ùn tắc nhưng tiến sĩ Phạm Viết Thuận - Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TP. HCM đánh giá, đường trên cao xây trong đô thị hiện hữu có nguy cơ ảnh hưởng tới môi trường và cảnh quan. Do vậy, việc lựa chọn các tuyến trên cao phải được cân nhắc kỹ để hạn chế các tác động tiêu cực.

Tiến sĩ Phạm Viết Thuận dẫn ví dụ như trục Trường Chinh - Cộng Hòa, nếu chỉ nhằm mục tiêu giải quyết ùn tắc thì vẫn còn các giải pháp có thể tính đến thay vì đường trên cao. Như việc có thể tận dụng những tuyến đường, hẻm hiện hữu để cải tạo, chia bớt lượng xe dồn vào trục đường chính.

Trước đó, TP. HCM quy hoạch 5 đường trên cao dài khoảng 71km nhưng đến nay chưa tuyến nào xây dựng. Một số dự án tuyến số 5 (nút giao Trạm 2 - An Sương), số 1 (nút giao Lăng Cha Cả - đường Ngô Tất Tố), từng được doanh nghiệp đề xuất nghiên cứu đầu tư nhưng chưa thực hiện.

Cách đây 3 năm, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. HCM (CII) đề xuất nghiên cứu đầu tư tuyến đường trên cao dài khoảng 14km, 4 làn xe, kết nối Nam Sài Gòn đến Tân Sơn Nhất, tổng vốn đầu tư hơn 38.000 tỷ đồng theo hợp đồng BOT, song chưa triển khai.

Vũ Dũng

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/tp-hcm-huong-giao-thong-tren-cao-de-giai-quyet-un-tac-5101.html