Từ vụ trẻ bị loét tá tràng sau 4 ngày uống thuốc hạ sốt: Bác sĩ khuyến cáo cách dùng thế nào cho đúng

Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Văn Huynh cho biết, bệnh nhi có tiền sử ăn uống bình thường, bệnh lý đường tiêu hóa không có điểm đặc biệt. Nguyên nhân gây loét tá tràng có thể do sử dụng thuốc hạ sốt ibuprofen không đúng hướng dẫn sử dụng.

Ngày 21/7, bé Đ.M.Q (9 tuổi) được đưa vào Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) trong tình trạng đau bụng vùng thượng vị và quanh rốn. Ngay lập tức, bệnh nhi được chỉ định nội soi dạ dày tá tràng. Kết quả cho thấy, có 2 ổ loét lớn đối xứng nhau, kích thước 1,2cm và 1,5cm. Bờ vết loét phù nề xung huyết, đáy có giả mạc trắng kèm vài ổ loét nông nhỏ. Bệnh nhi được chẩn đoán loét tá tràng.

Khai thác thông tin từ gia đình, các bác sĩ được biết, trước khi vào viện, bệnh nhi bị sốt liên tục 4 ngày. Thấy con sốt cao, gia đình đã tự mua thuốc ibuprofen cho con uống 5 tiếng/lần. Thời gian uống kéo dài trong 4 ngày. Bệnh nhi được cho uống thuốc kể cả lúc đói.

thuoc-ha-sot-1721735087.jpg
Bé Đ.M.Q được điều trị tại trung tâm y tế (Ảnh: Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê)

Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Văn Huynh - Phó Trưởng khoa Nhi, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê cho biết, bệnh nhi có tiền sử ăn uống bình thường, bệnh lý đường tiêu hóa không có điểm đặc biệt. Nguyên nhân gây loét tá tràng có thể do sử dụng Ibuprofen không đúng hướng dẫn sử dụng.

Bác sĩ Nguyễn Văn Huynh chia sẻ, nhiều cha mẹ có thói quen ưu tiên sử dụng Ibuprofen khi con bị sốt. Nhưng điều này là không nên vì ibuprofen là thuốc kháng viêm thuộc nhóm non-steroid (NSAID). Đặc điểm của nhóm này là tác dụng hạ sốt, chống viêm tốt nhưng lại chứa nhiều phản ứng phụ không mong muốn.

Do đó, cha mẹ không nên tự ý sử dụng loại thuốc này, đặc biệt không được sử dụng khi chưa loại trừ nguyên nhân mắc sốt xuất huyết. Bởi thuốc này tăng nguy cơ chảy máu và các biến chứng khác của bệnh sốt xuất huyết. Nhiều trẻ em bị sốt xuất huyết dùng thuốc hạ sốt ibuprofen dẫn đến xuất huyết tiêu hóa phải vào viện cấp cứu. Thuốc ibuprofen cũng không được dùng để hạ sốt trong các trường hợp trẻ có tiền sử dị ứng với thuốc, loét dạ dày, xuất huyết tiêu hoá...

Trong khi đó, paracetamol và ibuprofen là 2 loại thuốc hạ sốt được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyên dùng cho trẻ. Để hạ sốt cho trẻ, dạng bào chế đường uống là lựa chọn hàng đầu. Trường hợp trẻ bị khó nuốt, nôn mửa… thì mới nên dùng thuốc đặt hậu môn.

thuoc-ha-sot-1-1721735087.jpg
Khi sử dụng thuốc cho trẻ, cha mẹ phải tuân thủ nghiêm ngặt liều lượng và tần suất dùng trong ngày

Cả ibuprofen và paracetamol đều có hiệu quả nhưng mỗi loại có những đặc điểm riêng. Paracetamol tương đối an toàn, không gây kích ứng hoặc chảy máu đường tiêu hóa, không gây độc cho thận, không ảnh hưởng đến chức năng tiểu cầu, không gây mất bạch cầu hạt. Nhưng nếu dùng quá liều, thuốc có thể gây độc cho gan.

WHO khuyến cáo, paracetamol là thuốc hạ sốt nên được lựa chọn hàng đầu cho trẻ sơ sinh và trẻ em trên 2 tháng tuổi. Liều lượng sử dụng 10 - 15 mg/kg trọng lượng cơ thể, uống cách nhau khoảng 4 - 6 giờ.

Còn ibuprofen thích hợp cho trẻ trên 6 tháng tuổi với liều 5 - 10 mg/kg trọng lượng cơ thể, uống cách nhau khoảng 6 - 8 giờ.

Paracetamol và ibuprofen đều có thể đáp ứng nhu cầu của trẻ bị sốt khác nhau ở nhiều khía cạnh khác nhau, nhưng khi trẻ sốt chỉ sử dụng một loại thuốc để kiểm soát nhiệt độ cơ thể, không nên sử dụng xen kẽ paracetamol và ibuprofen hoặc kết hợp cả hai loại thuốc này với nhau sẽ làm tăng nguy cơ phản ứng có hại của thuốc.

Khi sử dụng thuốc, cha mẹ phải tuân thủ nghiêm ngặt liều lượng và tần suất dùng trong ngày, không tự ý tăng liều lượng để tăng hiệu quả của thuốc. Quá trình hạ sốt, cơ thể trẻ sẽ xuất hiện tình trạng ra nhiều mồ hôi, nên cha mẹ cần chú ý bổ sung nước và điện giải kịp thời cho trẻ. Trẻ uống nhiều nước ấm cũng thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi thể chất.

Nếu trẻ bị sốt, điều quan trọng là phải tìm ra nguyên nhân gây sốt và điều trị triệu chứng sốt khi cần thiết. Nếu cơn sốt xảy ra liên tục trong hơn 2 ngày hoặc xuất hiện tình trạng sốt cao trên 39,5 độ C, trẻ lơ mơ, buồn ngủ, ngủ li bì hoặc khó đánh thức, trẻ không uống được nước hoặc bị co giật, trẻ thở rít thanh quản, thở gấp và xuất hiện vết lõm ở phần dưới thành ngực..., cha mẹ cần đưa trẻ đi khám.

Du Vũ

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/tu-vu-tre-bi-loet-ta-trang-sau-4-ngay-uong-thuoc-ha-sot-cach-dung-dung-the-nao-5153.html