Được biết, trong thời gian gần đây, hàng tỷ USD đang được đầu tư vào tiểu bang Johor bởi các công ty muốn tận dụng lợi thế đất rẻ và nguồn năng lượng dồi dào cho cơ sở hạ tầng máy tính mà vẫn gần trung tâm tài chính hàng đầu Đông Nam Á – Singapore.
Tương lai của Johor được cho là sẽ sớm được gắn chặt với Singapore. Ngoài ra, quốc vương Malaysia cũng bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ với nỗ lực gắn kết bang của mình với Singapore trong một khu kinh tế duy nhất.
Số liệu từ Cơ quan Phát triển Đầu tư Malaysia cho biết, đầu tư nước ngoài vào tiểu bang Johor đạt đạt 58,8 tỷ RM (12,6 tỷ USD) vào năm 2022 và 31 tỷ RM vào năm 2023, so với 10 tỷ RM vào năm 2019. Dự báo, đến năm 2025, tăng trưởng kinh tế của Johor sẽ đạt mức đột phá.
Malaysia muốn biến tiểu bang Johor thành một phần không thể thiếu đối với nền kinh tế kỹ thuật số khu vực, cũng giống như Thâm Quyến đã thúc đẩy sản xuất của Trung Quốc phát triển.
CEO khu vực APAC - James Murphy của trung tâm dữ liệu DC Byte cũng khẳng định phần lớn các khoản đầu tư đang diễn ra ở thành phố Johor Bahru, thuộc khu vực biên giới với Singapore. Ông nhấn mạnh, có vẻ như trong vài năm nữa, Johor Bahru sẽ vượt qua Singapore để trở thành thị trường lớn nhất Đông Nam Á chỉ trong vòng 2 năm xuất phát từ con số 0.
Bộ trưởng Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia - Tengku Zafrul Aziz từng tuyên bố: Johor có tiềm năng trở thành Thâm Quyến của Đông Nam Á. Và, ngành công nghiệp trung tâm dữ liệu có thể đóng vai trò then chốt cho quá trình chuyển đổi tiểu bang này thành một cường quốc sản xuất công nghệ cao.
Lợi thế này đến sau khi Singapore ban hành lệnh hoãn xây dựng các trung tâm dữ liệu ngốn điện trong 3 năm vào năm 2019. Vì vậy, Johor đã nhanh chóng tận dụng cơ hội để thúc đẩy đầu tư bằng cách cắt giảm thời gian phê duyệt từ hơn 3 tháng xuống còn 7 ngày.
Sự phát triển mạnh mẽ của các trung tâm dữ liệu đã thúc đẩy nền kinh tế Malaysia nhưng sẽ tạo ra những lo ngại về nhu cầu năng lượng và nước.
Nhiều chuyên gia đánh giá, Malaysia tạo ra nhiều năng lượng hơn mức tiêu thụ 30 – 40%. Được biết, trong đó số được giữ làm nguồn dự trữ đủ để cung cấp năng lượng cho các trung tâm dữ liệu mới hiện nay. Ngoài ra, nhu cầu năng lượng cho các trung tâm dữ liệu trong 10 năm tới có thể vượt quá nguồn cung cấp điện hiện có.
Đồng thời, Malaysia sẽ phải đối diện với khó khăn về nguồn nước bởi một trung tâm dữ liệu có công suất 100MW sẽ cần khoảng 1,1 triệu gallon nước mỗi ngày để làm mát, số này tương đương với lượng nước sử dụng hàng ngày của một thành phố 10.000 dân. Trước đó, Malaysia được dự báo có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu nước trên diện rộng trong 5 năm tới do biến đổi khí hậu, lãng phí và cơ sở hạ tầng cũ kỹ.
Theo đó, một giải pháp được bang Johor đưa ra là bắt đầu từ tháng 6/2024, bang này sẽ yêu cầu các nhà khai thác trung tâm dữ liệu mới sử dụng phần cứng và phần mềm năng lượng xanh. Đồng thời, dựa trên đánh giá về sử dụng hiệu quả điện và nước theo hướng bền vững, nếu không đạt sẽ từ chối đơn cấp phép xây dựng các trung tâm dữ liệu mới.
Linh Trang