Malaysia: Mạng xã hội phải xin giấy phép hoạt động nếu có hơn 8 triệu người dùng tại nước này

Chính phủ Malaysia đưa tin, tới đây, kể từ ngày 1/8, các mạng xã hội sẽ phải xin giấy phép hoạt động nếu có hơn 8 triệu người dùng trong nước. Đây là nỗ lực mới nhất nhằm bảo vệ người dân nước này trước tình trạng tội phạm mạng liên tục gia tăng thời gian qua.

Ngày 27/7, Cơ quan quản lý internet của Malaysia cho biết, các mạng xã hội và nhắn tin trực tuyến có 8 triệu người dùng buộc phải đăng ký tại nước này và phải xin giấy phép có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 để đảm bảo môi trường trực tuyến an toàn hơn cho người dùng.

Ủy ban Truyền thông và Đa phương tiện Malaysia (MCMC) thông tin, khuôn khổ quản lý mới sẽ giúp chống lại sự gia tăng của các tội phạm mạng, bao gồm lừa đảo và gian lận trực tuyến, bắt nạt trên mạng và tội phạm tình dục đối với trẻ em.

“Biện pháp này sẽ tạo ra một hệ sinh thái trực tuyến an toàn hơn và trải nghiệm người dùng tốt hơn, đặc biệt là đối với trẻ em và gia đình”, Ủy ban cho biết trong một tuyên bố.

nen-tang-mang-xa-hoi-1722146526.jpg

Từ ngày 1/8, các mạng xã hội và nền tảng nhắn tin trực tiếp tại Malaysia sẽ phải xin giấy phép nếu tiếp tục muốn hoạt động tại nước này.

Với quy định này, các nền tảng như Meta (Facebook, Instagram và WhatsApp), Google (YouTube, Google Chat), TikTok, Telegram và X phải xin giấy phép từ chính phủ kể từ ngày 1/8.

MCMC cho biết: "Việc không xin được giấy phép sau ngày có hiệu lực (ngày 1/1/2025) sẽ là hành vi vi phạm và có thể bị xử lý theo Đạo luật Truyền thông và Đa phương tiện".

Trong suốt thời gian qua, các nền tảng truyền thông xã hội và nhắn tin trên internet đều được miễn yêu cầu cấp phép tại nước này.

Kế hoạch cấp phép cho các nền tảng mạng xã hội và nhắn tin của Malaysia đã đặt chúng vào sự giám sát chặt chẽ của chính phủ khi những áp lực ngày càng nhiều đặt lên cơ quan quản lý mạng xã hội của nước này.

Mục tiêu chính của các quy định cấp phép là yêu cầu các nền tảng tăng cường kiểm duyệt nội dung, đặc biệt là về mặt hiểu ngôn ngữ và bối cảnh địa phương.

Đáp lại những lời chỉ trích ngày càng tăng rằng hành động của MCMC mang động cơ chính trị, vào ngày 20 tháng 6, MCMC cho biết hơn 70% yêu cầu xóa nội dung của họ là nhằm hạn chế cờ bạc trực tuyến và lừa đảo.

Malaysia đang phải vật lộn với sự gia tăng nội dung có hại khi MCMC nhận được hơn 3.400 khiếu nại về ngôn từ kích động thù địch từ năm 2020 đến năm 2023. Trong cùng kỳ, 3,2 tỷ RM (922 triệu đô la Singapore) đã bị mất do lừa đảo trực tuyến. Ước tính cờ bạc trực tuyến cũng khiến Kho bạc nước này mất 2 tỷ RM tiền thuế mỗi năm.

lua-dao-mxh-1722146666.png

Quy định mới về cấp phép của Malaysia nhằm bảo vệ người dân nước này trước tình trạng tội phạm mạng liên tục gia tăng thời gian qua.

Khi lần đầu thảo luận về các giấy phép như vậy vào năm 2023, chính quyền nước này đã tuyên bố, mục đích là tạo điều kiện chia sẻ doanh thu với các nhà sản xuất nội dung địa phương và hạn chế những nội dung mà chính quyền coi là có hại và bất hợp pháp.

Tuy nhiên, một số đại diện của ngành công nghiệp và xã hội dân sự đã tham dự các cuộc họp giao ban với MCMC từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2024 đã nói rằng có rất ít hoặc không đề cập đến việc chia sẻ doanh thu kỹ thuật số.

Thay vào đó, các đề xuất được thảo luận bao gồm một công tắc "hủy" để gỡ bỏ nội dung bị coi là quá đáng, buộc bên được cấp phép phải cho phép kiểm tra quy trình kiểm duyệt nội dung và thuật toán của họ, cũng như phải có trụ sở tại Malaysia và sẽ phải chịu hình phạt theo luật pháp địa phương.

Những đề xuất này đã vấp phải sự phản đối từ chính những chủ sở hữu nền tảng mạng xã hội và các tổ chức có liên quan.

Minh Châu

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/malaysia-mang-xa-hoi-phai-xin-giay-phep-hoat-dong-neu-co-hon-8-trieu-nguoi-dung-tai-nuoc-nay-5268.html