Cả nước mỗi năm có nửa triệu người bị chó cắn, chi hơn 2.000 tỷ đồng điều trị dự phòng

Một nguyên nhân nữa khiến người dân không đi tiêm vaccine là chi phí. Hiện, chi phí tiêm vaccine bệnh dại trên người và động vật do người dân tự chi trả. Một liệu trình vaccine phòng dại trên người khoảng 1,5 triệu đồng. Đây là số tiền tương đối lớn với người có hoàn cảnh khó khăn.

7 tháng có 56 người tử vong vì bệnh dại

Trong Hội nghị Tăng cường công tác phòng chống bệnh dại khu vực miền Bắc 2024 vừa được tổ chức mới đây tại Hà Nội, Bộ Y tế cho biết, 7 tháng đầu năm nay, cả nước có 56 ca tử vong vì bệnh dại tại 29 tỉnh thành. Con số này so với cùng kỳ năm 2023 tăng 45%.

Những năm qua, bệnh dại luôn đứng đầu về số ca tử vong trong số các bệnh truyền nhiễm, chỉ sau dịch sởi năm 2014 và đại dịch Covid-19 năm 2021, 2022. PGS.TS Trần Như Dương - Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khẳng định, bệnh dại là bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm vì không có biện pháp cứu chữa. Khi bị chó, mèo dại cắn cào, liếm vào vết thương hở thì chỉ có tiêm vaccine phòng dại mới có thể cứu bệnh nhân khỏi cái chết.

benh-dai-1-1722246557.jpg
Hiện nay nhiều địa phương vẫn chưa quản lý được số lượng chó trên địa bàn (Ảnh: LDO)

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bệnh dại diễn biến phức tạp là do tỷ lệ tiêm phòng cho đàn chó, mèo còn thấp. Tại hội nghị này, đại diện Cục Thú y đã công bố tỷ lệ tiêm phòng dại trên đàn chó hiện đang là 58%. Nhưng theo nhiều chuyên gia, con số này chưa thực sự sát thực tiễn. Bởi hiện ngành Thú y và các địa phương chưa thống kê, quản lý được đàn chó nên không nắm được tổng số lượng chó thực tế là bao nhiêu.

Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2022 - 2030 quy định, phải tiêm vaccine dại cho 70% tổng đàn chó, mèo nuôi trong giai đoạn 2022 - 2025. Các tổ chức quốc tế như WHO (Tổ chức Y tế Thế giới), WOH (Tổ chức Thú y thế giới), FAO (Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc) cũng khuyến cáo, cần đạt tỷ lệ bao phủ vaccine phòng dại cho động vật ít nhất 70% trên tổng đàn trong 2 năm liên tiếp thì mới có hiệu quả phòng ngừa lây nhiễm bệnh dại sang người.

Ông Phan Quang Minh - Phó cục trưởng Cục Thú y cho hay, nhiều tỉnh còn có tỷ lệ tiêm phòng chó chưa đạt 30%. Đây là vấn đề nan giải nhất trong phòng chống bệnh dại. Sắp tới, Bộ Y tế sẽ tham mưu các địa phương áp dụng chế tài xử phạt những chủ nuôi không tiêm phòng cho chó, để chó thả rông.

E ngại tiêm vaccine phòng dại

Bộ Y tế cho biết, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tử vong do bệnh dại vì người dân chủ quan không đi chích ngừa vaccine sau khi bị chó, mèo cắn, cào, hoặc liếm vào vết thương hở.

Điều tra dịch tễ cho thấy nguyên nhân chủ yếu khiến người dân không đi tiêm vắc xin dại vì cho rằng, chó nhà cắn và nó không mắc bệnh dại. Bên cạnh đó, cũng có không ít trường hợp tử vong do tìm đến thầy lang chữa dại mà không đi tiêm phòng.

benh-dai-1722246557.jpg
Một bệnh nhân được điều trị dại tại bệnh viện

Đáng buồn nhất, có nhiều trẻ nhỏ bị chó cắn nhưng không nói với gia đình, làm lỡ mất thời gian vàng điều trị dự phòng, dẫn tới tử vong. Do đó, các gia đình cần nhắc nhở trẻ về việc bị chó cắn, dù vết thương nhẹ hay chảy máu thì cũng phải nói với bố mẹ. Phụ huynh tuyệt đối không mắng trẻ khi bị chó hay mèo cắn vì có thể khiến trẻ sợ, không dám kể lại.

Về vấn đề này, ông Trần Như Dương đề nghị ngành Y tế các địa phương rà soát tình trạng thầy lang tuyên bố chữa được dại để có chế tài xử phạt. Theo ông Dương, quy định xử phạt thầy lang chữa dại đã có, tuy nhiên các địa phương không có động tĩnh gì để nhiều người tin theo thầy lang, không tiêm vaccine dẫn tới lên cơn dại, chết oan uổng.

Một nguyên nhân nữa khiến người dân không đi tiêm vaccine là chi phí. Tiến sĩ Hoàng Minh Đức - Phó Cục trưởng Phụ trách quản lý điều hành Cục Y tế dự phòng chia sẻ, chi phí tiêm vaccine bệnh dại trên người và động vật hiện do người dân tự chi trả. Một liệu trình vaccine phòng dại trên người khoảng 1,5 triệu đồng. Đây là số tiền tương đối lớn với người nghèo. Vaccine phòng dại cho động vật rẻ hơn nhưng phải tiêm hàng năm, vì vậy với những gia đình nuôi nhiều cũng là một khoản tiền lớn.

Lý do khác nữa khiến người dân còn e ngại vì cho rằng vaccine phòng dại có nhiều tác dụng phụ. Thực tế, vaccine dại thế hệ mới hiện rất an toàn, có thể tiêm cho cả phụ nữ có thai và trẻ em ở mọi lứa tuổi

Thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm trung bình nước ta có khoảng 500.000 người bị chó cắn. Riêng chi phí điều trị dự phòng (tức tiêm vaccine và huyết thanh kháng dại) khoảng 2.000 tỷ đồng. Ngoài ra, chưa tính tới các chi phí khác như phẫu thuật thẩm mỹ, nạn nhân hoặc người nhà phải nghỉ làm để điều trị… tổn thất do bị chó cắn có thể vượt xa con số 2.000 tỷ mỗi năm.

Vân Thanh

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/ca-nuoc-moi-nam-co-nua-trieu-nguoi-bi-cho-can-chi-hon-2000-ty-dong-dieu-tri-du-phong-5301.html