Mới đây tại phiên họp thường kỳ tháng 7/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã thống nhất chủ trương điều chỉnh dự án xây dựng và kinh doanh Cảng nước sâu Cửa Lò.
Căn cứ vào chủ trương, Công ty CP Đầu tư phát triển vận tải biển quốc tế (ITID) được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An thống nhất cho đầu tư xây dựng 3 bến cảng thuộc dự án này. Trong đó, 2 bến cho tàu đến 50.000 DWT, 1 bến cho tàu 100.000 DWT. Tổng chiều dài của 3 bến cảng là 800m, kèm theo đó là hệ thống công trình phụ trợ gồm: đê chắn sóng (dài 1.550m), luồng tàu, khu quay trở và đầu tàu, cầu kết nối từ cầu dẫn ra bến.
So với quy mô dự án đã được thông qua chủ trương điều chỉnh hồi tháng 2/2023 thì Cảng nước sâu Cửa Lò có thêm 1 bến tàu, chiều dài đê chắn sóng cũng tăng lên, năng lực cảng biển cũng được nâng cao. Việc điều chỉnh dự án nhằm tiếp nhận được tàu biển có trọng tải tối đa từ 50.000 DWT đến 100.000 DWT.
Đồng thời, khu hậu phương cảng cũng tăng diện tích sử dụng từ 20ha lên 32ha để xây dựng các công trình: bãi container, đường nội cảng, trạm nhiên liệu, kho hàng, bãi hàng tổng hợp, bãi hàng rời, bãi đỗ xe, khu CFS (trạm tập kết hàng hóa từ chủ hàng để đóng vào container)…
Ngoài ra, diện tích sử dụng mặt biển của khu cảng nước sâu cũng tăng từ 200ha lên 208,15ha. Nơi đây sẽ xây dựng các công trình cảng xa bờ như: đê chắn sóng, bến cập tàu, cầu kết nối cầu dẫn với bến cập tàu, khu quay trở và luồng hàng hải.
Dự kiến tổng vốn đầu tư cho dự án Cảng nước sâu Cửa Lò là gần 7.325 tỷ đồng, phân kỳ đầu tư chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ 2024 – 2028 với gần 5.251 tỷ đồng, giai đoạn 2 từ 2029 – 2030 với hơn 2.074 tỷ đồng.
Tiến độ thực hiện của dự án như sau: từ quý 2/2024 – quý 4/2024 sẽ hoàn thành các thủ tục theo quy định.
Giai đoạn 1 từ 2024 – 2028 sẽ đầu tư bến số 6 và bến số 7 công suất tiếp nhận tàu 50.000 DWT, xây đê chắn sóng với 1.200m, cầu kết nối số 01, đường bãi, luồng tàu và trợ giúp hàng hải, công trình kiến trúc và hạ tầng phục vụ.
Giai đoạn 2 từ 2029 – 2030 sẽ đầu tư bến số 5 công suất 100.000 DWT, xây đê chắn sóng dài 350m, đường bãi, cầu kết nối 02, công trình kiến trúc và hạ tầng kỹ thuật phục vụ.
Tại cuộc họp, ông Thái Thanh Quý – Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An nhấn mạnh đây là dự án trọng điểm của tỉnh nên yêu cầu các Sở, ngành phải tập trung thực hiện, triển khai.
Tại cuộc họp này, dự án Xây dựng Bia chứng tích Cống Hiệp Hòa (huyện Đô Lương) cũng được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An thống nhất chủ trương đầu tư.
Được đánh giá là hệ thống giao thông quan trọng, Cảng nước sâu Cửa Lò kết nối mạng lưới giao thông quốc gia đi qua tỉnh Nghệ An như: Cảng hàng không Quốc tế Vinh, Quốc lộ 1A, Quốc lộ 7C, đường sắt Hà Nội - TP. HCM, đường ven biển… Trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, Cảng nước sâu Cửa Lò còn là đầu mối logistics của vùng và cửa ngõ ra biển ngắn nhất phục vụ vận tải và tiếp nhận hàng hóa cho Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan.
Mặc dù là hệ thống giao thông quan trọng nhưng hạ tầng Cảng nước sâu Cửa Lò chưa tiếp nhận được các tàu biển có trọng tải trên 50.000 DWT… Hầu hết hàng hóa từ Nghệ An phải đi qua các cảng Nghi Sơn, Vũng Áng và Hải Phòng.
Do đó việc đầu tư xây dựng dự án này có kỳ vọng sẽ đảm bảo đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông kết nối các bến Cảng nước sâu Cửa Lò với mạng lưới giao thông đối ngoại qua Quốc lộ 7C (đường D4; phục vụ lưu thông vận chuyển hàng hóa đường biển với quy mô lớn; đảm bảo đồng bộ kết cấu hạ tầng để triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh Cảng nước sâu Cửa Lò; tạo môi trường thu hút đầu tư hấp dẫn, hiệu quả.
Thái Uyên
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/nghe-an-quyet-dinh-rot-hon-7300-ty-dau-tu-cang-nuoc-sau-cua-lo-5373.html