Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ra công văn hướng dẫn việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2024 - 2025. Trong đó, Bộ lưu ý một số vấn đề cụ thể với việc kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn. Các trường THCS và THPT cần tránh sử dụng những văn bản, đoạn trích đã được học trong sách giáo khoa để làm ngữ liệu kiểm tra đánh giá năng lực đọc hiểu và viết ở những đề kiểm tra định kỳ.
Yêu cầu này được đưa ra nhằm khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn. Ngoài ra, các trường cần tuân thủ việc đánh giá cần phải thực hiện theo đúng quy định, không vượt quá yêu cầu cần đạt của chương trình.
Đáng chú ý, Bộ yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường cần tăng cường xây dựng ngân hàng câu hỏi, ma trận đề kiểm tra nhằm chuẩn bị cho học sinh lớp 9 và lớp 12 làm quen với định hướng đề thi mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó, có hai kỳ thi quan trọng là tuyển sinh vào lớp 10 năm 2025 và thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Về quy định không dùng ngữ liệu trong sách giáo khoa để kiểm tra, cô Phạm Thái Lê - giáo viên bộ môn Ngữ văn, Trường Marie - Curie Hà Nội chia sẻ, theo chương trình giáo dục phổ thông cũ, học sinh vẫn quen kiểu đọc chép, học thuộc văn mẫu, giáo viên mất rất nhiều thời gian rèn giũa thì ở chương trình mới, mục tiêu là các em có năng lực đọc hiểu, có kỹ năng viết.
Việc phân tích một tác phẩm văn học không phải/ không nên là mục tiêu chính của dạy và học văn. Dạy học sinh Ngữ văn là để giúp các em có năng lực tư duy, biết cách sử dụng ngôn ngữ để có khả năng viết đúng, viết hay trong nhiều lĩnh vực khác nữa.
Còn cô Đỗ Bích Hạnh - giáo viên lớp 6, môn Ngữ văn, Trường THCS Nguyễn Công Trứ (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, nhiều học sinh gặp khó khăn, loay hoay vì phương pháp học, kiểm tra mới. Các em đã quen với việc giáo viên chữa bài rồi học thuộc, dẫn đến không thể thoát ly văn mẫu. Đọc bài văn của cả lớp đều có dạng câu: “Em rất yêu thích tác phẩm của nhà văn...” hay chung một kiểu mở bài quen thuộc với cách dùng từ ngô nghê.
Do vậy, cô rất đồng tình với cách sử dụng một đoạn văn mới, không có trong sách để đưa vào đề văn. Qua đó, dần thay đổi lối mòn học tập, cũng giúp học sinh tư duy, học hỏi được nhiều hơn.
Ngoài nội dung về đề văn, Bộ còn đặc biệt lưu ý các trường chỉ đạo tổ chuyên môn, giáo viên kiểm soát chặt chẽ, không để xuất bản phẩm tham khảo có nội dung vi phạm chủ quyền biển đảo, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa của người Việt được đưa vào sử dụng trong dạy học.
Công văn của Bộ cũng lưu ý một số vấn đề khác như thực hiện hiệu quả các phương pháp và hình thức dạy học; nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng; tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục trung học, gồm phát triển mạng lưới trường, lớp; đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; đảm bảo sách giáo khoa và tài liệu giáo dục địa phương; tăng cường cơ sở vật chất và thiết bị dạy học, học liệu...
Với công tác thi đua, khen thưởng, Bộ đề nghị các Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục trung học thực hiện tốt việc khen thưởng, kỉ luật vì sự tiến bộ của học sinh. Việc khen thưởng cần đảm bảo thực hiện đúng quy định, công bằng, công khai, minh bạch, kịp thời, tạo cảm hứng và động lực phấn đấu cho học sinh.
Du Vũ
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/khong-ra-de-kiem-tra-van-bang-tac-pham-trong-sach-giao-khoa-khac-phuc-tinh-trang-hoc-vet-5419.html