Hoạt động phát hành có dấu hiệu khởi sắc
Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) vừa công bố báo cáo thị trường tháng 7/2024 ghi nhận 21 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) với tổng giá trị 13.612 tỷ đồng. Lũy kế 7 tháng, tổng giá trị phát hành trái toàn thị trường đạt 160.639 tỉ đồng. Trong đó có 11 đợt phát hành ra công chúng trị giá 11.773 tỉ đồng, tương đương 7% và 158 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 148.867 tỉ đồng, tương đương 93%.
Theo Công ty Chứng khoán MB (MBS), từ đầu năm đến nay, các ngân hàng đã phát hành 96.200 tỷ đồng trái phiếu, tăng 140% so với cùng kỳ năm ngoái với mức lãi suất bình quân 5,4%/năm, kỳ hạn trung bình 4 năm. Một số ngân hàng có giá trị phát hành lớn trong thời gian là Techcombank (17.000 tỉ đồng), ACB (12.700 tỉ đồng), MB (8.900 tỉ đồng).
Đứng thứ 2 là nhóm doanh nghiệp bất động sản với tổng giá trị đạt 32.600 tỉ đồng, lãi suất trung bình 12%/năm, kỳ hạn bình quân 2,7 năm. Mức lãi suất mà các doanh nghiệp bất động sản đưa ra cao gấp đôi nhóm ngân hàng.
Trong đó, Công ty CP Tập đoàn Khải Hoàn Land, Công ty TNHH Khu đô thị mới Trung Minh, một số lô trái phiếu của 2 doanh nghiệp này phát hành trong năm nay đều có lãi suất lên đến 12,5%, cao nhất từ đầu năm đến nay.
Nhiều công ty bất động sản khác cũng có lãi suất trái phiếu ở mức 12% như: Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Thiên Hà - Băng Dương, Công ty CP Phát triển tổng hợp Hưng Thịnh Phát, Công ty TNHH Hoàng Trúc My... Một số công ty bất động sản khác như Văn Phú Invest, Xây dựng An Hòa, DIC Corp, IDTT…cũng phát hành mức lãi suất cao 11-11,5%/năm.
Dù đưa ra mức lãi suất cao nhưng tình hình thanh toán nghĩa vụ tài chính với trái chủ của các doanh nghiệp vẫn chưa khả quan. MBS cho biết, trong tháng 7, thêm 3 đơn vị công bố chậm thanh toán gốc, nâng tổng số chậm trả lên tới 116 doanh nghiệp.
Hiện nay, tổng giá trị trái phiếu chậm thanh toán ước khoảng 209.800 tỷ đồng, chiếm 21% dư nợ toàn thị trường, trong đó nhóm bất động sản vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 68%. Ước tính hơn 95.300 tỷ đồng trái phiếu sẽ đáo hạn trong nửa cuối năm, trong đó bất động sản chiếm 65%, ngân hàng là 15% giá trị đáo hạn.
Vẫn cần cẩn trọng khi đầu tư
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, trong khi lãi suất ngân hàng đang ở mức chỉ 6%/năm, nếu có tăng cũng khó có thể đạt được mức vượt 10%/năm, thì trái phiếu vẫn là kênh được đánh giá có lợi nhuận tốt hơn.
Bên cạnh đó, với những quy định đã ban hành như Nghị định 65, thị trường TPDN nói chung, nhóm bất động sản nói riêng sẽ dần an toàn, bền vững hơn, từ đó đem lại cơ hội để doanh nghiệp có nguồn huy động vốn tốt hơn.
Đặc biệt, ông Thịnh cho rằng, đặt trong bối cảnh hiện nay, so với cổ phiếu, TPDN mang tính bảo toàn vốn cao hơn bởi không bị ảnh hưởng bởi sự lên xuống như giá cổ phiếu. Chưa kể lợi nhuận khi đầu tư cũng được trả ổn định theo kỳ.
Tuy nhiên, chuyên gia vẫn đưa ra khuyến nghị, đầu tư TPDN thời điểm này cần thận trọng hơn giai đoạn trước vì thị trường bất động sản chưa tăng tốc trở lại mà vẫn ở giai đoạn phục hồi, cần thời gian để “thẩm thấu” các bộ luật mới.
Do đó, với TPDN bất động sản, nhà đầu tư phải cân nhắc, chọn lọc kỹ các tổ chức phát hành minh bạch, chiến lược kinh doanh ổn định, thậm chí lựa chọn tổ chức phân phối uy tín cao trên thị trường.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định, dù những con số thống kê đã ghi nhận số lượng phát hành mới, nhưng không thấy sự quay lại của các nhà đầu tư. Lượng phát hành thành công thờ gian qua là dành cho các bên liên quan của tổ chức phát hành và ngân hàng. Nhóm TPDN bất động sản vẫn đang trong tình trạng trầm lắng.
Ông Hiếu dự báo, thị trường trái phiếu chưa thể phục hồi trong năm nay và cần có những quy định chặt chẽ hơn về vấn đề phát hành, quan trọng nhất là các nhà đầu tư họ phải lấy lại niềm tin đối với thị trường.
Tuệ Minh
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/dua-ra-muc-lai-suat-cao-gap-doi-ngan-hang-tpdn-bat-dong-san-da-hap-dan-dau-tu-5453.html