Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong 6 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng đạt 6%, tương đương gần 1 triệu tỉ đồng được bơm vào nền kinh tế, cao gần gấp đôi so với cùng kỳ nhờ sự hồi phục của xuất khẩu, hoạt động đầu tư và tiêu dùng. Đáng chú ý, chỉ tính riêng tháng 6 đã có tới 270.000 tỉ đồng được giải ngân. Tuy nhiên, không phải nhóm doanh nghiệp nào cũng nhận được dòng vốn này.
Vốn vẫn tập trung vào nhóm doanh nghiệp lớn
Theo thống kê, 97% doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường có quy mô vừa và nhỏ, trong đó có cả những hợp tác xã (HTX) nông nghiệp nghiệp, có đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, tạo công ăn việc làm cho một lượng lớn người lao động, đóng góp đáng kể cho ngân sách Nhà nước. Hầu hết nhóm doanh nghiệp này đều có nhu cầu vay vốn lớn, nhưng lại khó tiếp cận nguồn tín dụng ngân hàng.
Theo ông Nguyễn Danh Thuận – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Ademax, gói tín dụng dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn được các ngân hàng triển khai nhưng yêu cầu tương đối cao, trong khi đó năng lực quản lý, xây dựng báo cáo minh bạch của các doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ để tiếp cận nguồn vốn là hạn chế.
Ông Lê Văn Tiên – Giám đốc HTX Dịch vụ thương mại và Sản xuất nông sản an toàn Đại Hoàng cho biết, HTX có tổng số vốn ban đầu gần 1 tỉ đồng nhưng chủ yếu dùng vào việc thuê mặt bằng, xây dựng nhà lưới, hệ thống tưới tiêu phục vụ hoạt động sản xuất. Do ít vốn, cùng với việc khó vay thêm nên chỉ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún.
Lý giải những khó khăn của nhóm doanh nghiệp này, ông Nguyễn Kim Hùng – Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết, lâu nay, bản thân nhóm doanh nghiệp này đã không đáp ứng được yêu cầu tín dụng của ngân hàng, phần lớn chỉ vay được dựa trên tài sản mà họ có, tỷ lệ vay cũng ở mức thấp chỉ khoảng 50-60% giá trị.
Thực tế, mức tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế chủ yếu tập trung tại các doanh nghiệp lớn. Thống kê cho thấy, nợ vay của các doanh nghiệp quy mô lớn (chóm chỉ chiếm chiếm rất ít số doanh nghiệp cả nước) chiếm tới 90% tổng nợ vay của toàn bộ doanh nghiệp của nền kinh tế.
Hiện, giá trị các khoản vay của nhóm vừa, nhỏ và siêu nhỏ đạt 11,2 tỉ USD, tương ứng 32,18% nhu cầu vốn tín dụng, điều này đồng nghĩa với việc còn một khoảng trống tài chính gần 24 tỉ USD chưa được đáp ứng. Trong đó, nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ là 1,89 tỉ USD; nhóm nhỏ và vừa là 21,71 tỉ USD.
Nghịch lý cạnh tranh về vốn
Theo chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, tổng dư nợ nền kinh tế hiện nay đạt khoảng 12,2 triệu tỉ đồng. Trong khi, tổng nguồn vốn huy động của nền kinh tế hiện cũng khoảng 12,3 triệu tỉ đồng. Với những con số này, mức tổng huy động cho vay đã vượt khoảng 1,2 lần so với GDP.
Như vậy, khối doanh nghiệp vừa và nhỏ phải cạnh tranh khốc liệt với nhóm doanh nghiệp còn lại. Bởi lẽ, chỉ với một khoản vay của một doanh nghiệp lớn có thể bằng khoản vay của 10.000 doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ cộng lại. Do vậy, ngân hàng sẽ có sự lựa chọn ưu tiên.
Thực tế, nguyên nhân cốt lõi của việc ngân hàng và khách hàng không gặp nhau vẫn đến từ nội tại doanh nghiệp khi những yêu cầu cơ bản như minh bạch thông tin, chiến lược kinh doanh hiệu quả, xây dựng uy tín… vẫn chưa được chú trọng.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính cho rằng, ngân hàng sẵn sàng cho vay nhưng chỉ giải ngân với đối tượng có rủi ro chấp nhận được, còn nếu rủi ro ở mức cao họ sẽ ngần ngại. Đồng thời, các quy trình vay phải tuân thủ đúng quy định, nếu không bên chịu trách nhiệm vẫn là ngân hàng.
Đồng tình, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế nhận định, việc bắt buộc phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật đối với hoạt động cho vay là điều đương nhiên để đảm bảo an ninh tài chính tiền tệ cho hệ thống ngân hàng.
Ngoài ra, thị trường tài chính vẫn đang thiếu trầm trọng các sản phẩm dành cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, văn hóa cho vay tại các tổ chức tín dụng vẫn chủ yếu dựa trên thế chấp mà chưa chú trọng cho vay dựa trên động sản như khoản phải thu, hàng tồn kho, giấy tờ sở hữu và giấy tờ thương mại…
Do vậy, ông Thịnh kiến nghị, các ngân hàng cũng nên chủ động bổ sung thêm những phương thức cho vay khác như vay theo dòng tiền, các hợp đồng, kế hoạch sản xuất kinh doanh để đáp ứng được nhu cầu vốn cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp có khả năng phát triển.
Tất nhiên, cũng đòi hỏi các doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị đầy đủ về hồ sơ, hợp đồng sản xuất kinh doanh...từ đó tạo cơ sở cho ngân hàng thẩm định. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần chứng minh năng lực quản trị, duy trì hệ thống sổ sách kế toán minh bạch, tuân thủ quy định pháp luật về lao động và bảo hiểm xã hội cũng là các “điểm cộng” đối với quá trình thẩm định của ngân hàng.
Tuệ Minh
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/gan-1-trieu-ti-dong-duoc-bom-ra-nen-kinh-te-nhung-phan-bo-khong-dong-deu-5463.html