Quảng Ninh dành quỹ đất xây dựng hầm đường bộ vượt biển lớn nhất Việt Nam

Từng phải tạm dừng thực hiện vào năm 2019 nhưng mới đây trong Quy hoạch chung TP. Hạ Long đến năm 2040, phương án xây dựng hầm đường bộ qua vịnh Cửa Lục quy mô gần 10.000 tỷ đồng vẫn được “góp mặt”.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch chung của TP. Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) tới năm 2040, trong đó có nội dung xây dựng hầm đường bộ qua vịnh Cửa Lục.

Đây được đánh giá là công trình quan trọng, là hầm đường bộ lớn nhất Việt Nam nhằm kết nối giao thông cơ giới giữa 2 bờ là khu hành chính Hòn Gai và khu du lịch Bãi Cháy.

Trong quy hoạch, Quảng Ninh sẽ tiếp tục xây dựng hoàn thiện hệ thống cầu gắn với các tuyến đường kết nối phía Bắc vịnh Cửa Lục; cải tạo, nâng cấp hệ thống cầu hiện trạng đảm bảo quy mô, kết cấu kỹ thuật và khả năng kết nối giao thông. Đáng chú ý, tỉnh sẽ dự trữ quỹ đất để xây dựng hầm đường bộ qua vịnh Cửa Lục.

phoi-canh-ham-duong-bo-vinh-cua-luc-1-1722930728.jpg
Phối cảnh dự án hầm đường bộ qua cửa vịnh Cửa Lục

Trước đó, công trình này được Quảng Ninh dự kiến khởi công trong năm 2019 và tới năm 2025 sẽ hoàn thành.

Thời điểm 2019, UBND tỉnh Quảng Ninh dự kiến dự án hầm đường bộ qua vịnh Cửa Lục có tổng vốn đầu tư hơn 9.780 tỷ đồng, sử dụng nguồn ngân sách tỉnh. Trong đó, giai đoạn 2018 – 2020 sử dụng khoảng 3.000 tỷ đồng, hơn 6.780 tỷ đồng sẽ dùng trong giai đoạn 2021 – 2025.

Để có nguồn vốn xây dựng công trình này, Quảng Ninh dự kiến mỗi năm cân đối khoảng 2.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Được biết, công trình đặc biệt này không nằm trong công trình quốc gia nên tỉnh Quảng Ninh đã xin chủ trương tự cân đối ngân sách và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý.

phoi-canh-ham-duong-bo-vinh-cua-luc-3-1722930784.jpg
Vị trí lựa chọn xây dựng hầm đường bộ xuyên vịnh Cửa Lục nằm cách cầu Bãi Cháy không xa.

Căn cứ theo thiết kế, hầm đường bộ xuyên vịnh Cửa Lục có chiều dài toàn tuyến khoảng 2.750m, quy mô 6 làn xe, nằm song song với cầu Bãi Cháy. Trong đó, phần hầm có chiều dài khoảng 2.140m gồm 1.000m hầm dìm, 1.140m hầm dẫn.

Dự kiến hầm sẽ nằm dưới đáy biển, cách mặt nước không quá 17m. Tốc độ lưu xe trong hầm khoảng 60km/h và có khả năng chịu được động đất mạnh tới 6 độ Richter.

Tuy nhiên do đây là công trình lớn, sử dụng nguồn vốn “khủng”, đòi hỏi công nghệ và kỹ thuật rất cao. Bên cạnh đó, vị trí thi công hầm Cửa Lục khá phức tạp vì là cửa sông có nước chảy xiết, điều kiện tự nhiên có hang caster và là luồng giao thông hàng hải của một số cảng. Nên các phương án thiết kế, tổ chức thi công cần được tính toán cẩn thận.

cau-bai-chay-1722930879.jpg
Hiện nay, việc kết nối đường bộ giữa khu vực Hòn Gai và Bãi Cháy của TP. Hạ Long đều thông qua cầu Bãi Cháy (Ảnh: Minh Cương - VnE)

Trong quá trình nghiên cứu dự án, Quảng Ninh đã mời nhiều chuyên gia trong và ngoài nước tham gia nghiên cứu, khảo sát địa chất, địa hình khu vực làm đường hầm. Sau đó, tỉnh đã tạm dừng để tập trung nguồn lực cho các dự án khác nhằm mở rộng không gian đô thị sau khi sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP. Hạ Long, cụ thể như: cầu Cửa Lục 1 (cầu Tình Yêu), cầu Cửa Lục 3 (cầu Bình Minh).

Được biết hiện nay, việc kết nối đường bộ giữa khu vực Hòn Gai và Bãi Cháy của TP. Hạ Long đều thông qua cầu Bãi Cháy. Để di chuyển từ Hòn Gai sang Bãi Cháy và ngược lại mất khá nhiều thời gian, có khi lên đến nửa tiếng đồng hồ. Đặc biệt việc lưu thông trở nên khó khăn, thậm chí gián đoạn mỗi khi địa phương này có gió bão lớn.

Do đó việc đầu tư xây dựng đường bộ xuyên vịnh Cửa Lục sẽ tạo điều kiện lưu thông thuận lợi giữa 2 bờ vịnh Cửa Lục, phá thế độc đạo của cầu Bãi Cháy, góp phần giảm tải lưu lượng giao thông cho cây cầu này; kết nối giữa khu du lịch phía Tây với khu hành chính, văn hóa và các khu dân cư phía Đông TP. Hạ Long. Bên cạnh đó, hầm còn có ý nghĩa đảm bảo giao thông thông suốt trong đô thị Hạ Long.

Hà Lan

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/quang-ninh-danh-quy-dat-xay-dung-ham-duong-bo-vuot-bien-lon-nhat-viet-nam-5503.html