Bộ Kế hoạch Đầu tư đang xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư (NĐT) thực hiện dự án sử dụng đất (dự thảo Nghị định) và thông tư quy định mẫu hồ sơ đấu thầu lựa chọn NĐT thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư, dự án đầu tư có sử dụng đất, dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu (dự thảo Thông tư) hướng dẫn quy định của luật Đất đai và luật Đấu thầu. Tuy nhiên, quy định liên quan đến điều kiện đấu thầu lựa chọn NĐT với các dự án sử dụng đất đang khiến doanh nghiệp (DN) trong nước lo lắng vì khó đáp ứng được điều kiện, tiêu chí.
Yêu cầu quá cao làm giảm sức cạnh tranh
Theo ông Nguyễn Duy Thành – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Global Home, quy định doanh nghiệp muốn tham gia đấu thầu phải có kinh nghiệm thực hiện dự án có quy mô tương đương 50 - 70% dự án mời thầu là yêu cầu cao đối với nhiều doanh nghiệp.
Nếu áp dụng quy định này, nhiều doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế, năng lực chuyên môn tốt nhưng chưa có đủ thâm niên, năng lực công trình…sẽ không đáp ứng đủ điều kiện. Chưa kể, trên thị trường hiện nay đang tồn tại một thực trạng, khi bắt đầu làm dự án, các doanh nghiệp lớn, tập đoàn thường thành lập pháp nhân mới là công ty liên doanh, liên kết để đấu thầu, triển khai thực hiện hợp đồng.
Trong khi các doanh nghiệp “trẻ” muốn cải thiện vốn, tăng quy mô thì phải tham gia dự thầu để có dự án để triển khai nhưng khi tham gia dự thầu lại bị ràng buộc bởi quy mô. Điều này không chỉ tạo vòng luẩn quẩn mà còn là đối xử không công bằng giữa các doanh nghiệp.
Đồng quan điểm, lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản cũng cho rằng, quy định phải có kinh nghiệm đã từng thực hiện dự án có quy mô tương đương 50 - 70% dự án mời thầu là một tiêu chí cao đối với nhiều doanh nghiệp, nhất là nhóm SME. Bởi đây là điều kiện mà gần như chỉ có các nhà thầu lớn mới đáp ứng được.
Trong khi đó, có những doanh nghiệp chưa có nhiều cơ hội tham gia các dự án lớn nhưng sau thời gian tích lũy kinh nghiệm, tài chính, muốn tham gia vào một số dự án nhưng nếu chiếu theo yêu cầu này sẽ không đủ điều kiện tham gia. Chưa kể, việc hạn chế quy mô doanh nghiệp sẽ làm giảm sự đa dạng, tính cạnh tranh.
Vị này cho rằng, có thể điều chỉnh yêu cầu này xuống còn 30 - 50% để tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp hơn; cho phép các doanh nghiệp chứng minh năng lực thông qua việc tích lũy kinh nghiệm từ nhiều dự án nhỏ, thay vì yêu cầu phải có một dự án lớn tương đương.
Nên giảm các tiêu chí để đảm bảo sự công bằng
Cũng nêu quan điểm về vấn đề này, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI chỉ ra, quy định về quy mô vốn tối thiểu sẽ hạn chế nhà đầu tư tham gia đầu thầu các dự án sử dụng đất. VCCI dẫn ví dụ, trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đăng tải dự án có quy mô tổng vốn đầu tư thực hiện lên đến hơn 80.000 tỉ đồng.
Chiếu theo quy định nhà đầu tư phải đáp ứng điều kiện đã từng thực hiện dự án tương tự quy mô vốn ít nhất 50% giá trị dự án thầu, tương đương 40.000 tỉ đồng trở lên. Như vậy, sẽ có rất ít doanh nghiệp có thể tham gia đấu thầu, thậm chí gây bất lợi cho các nhà đầu tư trong nước, dẫn đến nguy cơ nhiều dự án lớn sẽ rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài.
Bên cạnh yêu cầu về năng lực, quy định nhà đầu tư phải có vốn góp chủ sở hữu với giá trị tối thiểu, trong khoảng 50 - 70% yêu cầu về vốn chủ sở hữu của dự án cũng đang khiến các doanh nghiệp gặp khó.
Bởi theo phản ánh của doanh nghiệp, trong thực tiễn việc xác định thông tin này khá mất thời gian do đơn vị không thể tự báo cáo mà phải làm thêm các thủ tục như thuê kiểm toán để có bên thứ ba xác nhận. Trong khi đó, quy định về kinh doanh bất động sản đã có quy định tương tự về đánh giá vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư dao động từ 15 - 20% tổng mức đầu tư của dự án.
Ông Nguyễn Văn Đính – Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - VNREA nhận định, việc sửa đổi, ban hành nhiều quy định trong công tác lựa chọn nhà thầu để đồng bộ với các luật mới áp dụng theo hướng chặt chẽ, lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực để tham gia thực hiện dự án là tất yếu. Tuy nhiên, nếu nâng các điều kiện, quy định lên quá cao là không nên.
Ông Đính kiến nghị cần điều chỉnh tỷ lệ đối với yếu tố đánh giá tổng vốn đầu tư/tổng mức đầu tư tối thiểu xuống từ 20 - 50%. Đồng thời, bỏ yếu tố đánh giá "NĐT đã góp vốn chủ sở hữu với giá trị tối thiểu là 50 - 70% yêu cầu về vốn chủ sở hữu của dự án đang xét".
Tương tự, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam cũng cho rằng, cơ quan soạn thảo nên giảm tỷ lệ về quy mô dự án đã thực hiện xuống dưới 50% dự án xét thầu hoặc không nên đưa tiêu chí này là bắt buộc mà chỉ nên để tham khảo.
Quang Đăng
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/dieu-kien-dau-thau-du-an-dang-lam-kho-doanh-nghiep-5517.html