Từ vụ nhập viện vì ăn bánh Trung thu mua online, siết chặt kiểm tra các cơ sở sản xuất

Gia đình em V.T.Q.Đ đã đặt mua bánh Trung thu trên mạng, không rõ nguồn gốc. Sau khi ăn 2 chiếc bánh, Đ. có triệu chứng tím tái bất thường nên người thân vội đưa đi viện cấp cứu.

Còn hơn 1 tháng nữa mới đến Tết Trung thu, tuy nhiên nhu cầu tiêu dùng các loại bánh, kẹo, đặc biệt là bánh Trung thu đã bắt đầu tăng. Đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, thị trường bánh Trung thu đa dạng từ mẫu mã đến giá cả, từ bánh của các thương hiệu nổi tiếng đến bánh nhà làm...

Dù vậy, người dân khi mua và sử dụng bánh Trung thu cần cẩn trọng để đảm bảo sức khỏe, tránh ngộ độc thực phẩm. Bởi bên cạnh các cơ sở sản xuất kinh doanh có uy tín, sản phẩm đảm bảo an toàn cũng còn không ít tổ chức, cá nhân có hành vi lén lút đưa ra thị trường một số loại bánh kẹo nhập lậu, không có nguồn gốc, xuất xứ.

banh-trung-thu-1-1723249886.jpg
Em Đ. được điều trị tại bệnh viện (Ảnh: CAND)

Như mới đây, em V.T.Q.Đ (SN 2009, ngụ TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) đã được đưa tới Bệnh viện Đại học Y dược Shing Mark Đồng Nai trong tình trạng tím tái, bất tỉnh. Người nhà bệnh nhân cho biết, trước đó em Đ. đã ăn 2 chiếc bánh trung thu đặt mua trên mạng, không rõ nguồn gốc. Sau khi ăn bánh, bệnh nhân bắt đầu có triệu chứng tím tái bất thường nên người thân vội đưa đi viện cấp cứu.

Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc phản vệ nặng và được chỉ định thực hiện các biện pháp cấp cứu khẩn cấp. Sau 2 tiếng hồi sức tích cực, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, mạch cải thiện, chỉ số sinh tồn dần ổn định. Hiện, bệnh nhân Đ. đã hồi phục và được cho xuất viện.

Để tránh xảy ra trường hợp tương tự, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và bảo vệ quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa có công văn gửi các tỉnh thành đề nghị triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Đặc biệt, tập trung ưu tiên kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu, bánh kẹo, thực phẩm truyền thống sản xuất tại các làng nghề, cơ sở nhỏ lẻ…

Kịp thời truy xuất, thu hồi các sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng, nếu có dấu hiệu hình sự đề nghị chuyển cơ quan công an để xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu đến với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

banh-trung-thu-1723249886.jpg
Tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất bánh Trung thu (Ảnh: CAND)

Cục cũng yêu cầu các cơ quan liên quan hướng dẫn người tiêu dùng lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn; chỉ mua và sử dụng các thực phẩm, phụ gia thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhãn mác đầy đủ; không sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, không đúng đối tượng, liều lượng theo quy định.

Chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn chuẩn bị phương án, lực lượng thường trực, vật tư, phương tiện, hóa chất để sẵn sàng cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân khi xảy ra ngộ độc thực phẩm; điều tra vụ ngộ độc thực phẩm, xác định nguyên nhân gây ngộ độc, thực hiện các biện pháp phòng ngừa nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm.

Ngoài ra, chính bản thân người tiêu dùng mới là yếu tố quan trong nhất để phòng tránh ngộ độc. Theo đó, khi lựa chọn, sử dụng bánh Trung thu, người tiêu dùng phải sử dụng cảm quan để đánh giá sản phẩm không bị giập nát biến dạng, bao bì không rách, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ. Tuyệt đối không lựa chọn, mua sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc, bao bì rách, sản phẩm biến dạng, hàng hết hạn sử dụng, hàng lậu…

Vân Thanh

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/tu-vu-nhap-vien-vi-an-banh-trung-thu-mua-online-siet-chat-kiem-tra-cac-co-so-san-xuat-5593.html